Thông tin được Bộ Tài chính nêu trong Công văn số 8813/BTC-ĐT báo cáo Thủ tướng về tình hình giải ngân 6 tháng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách năm 2024.
Theo Bộ Tài chính, một số tỉnh, thành phố chậm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đến nay, Bộ Tài chính đã nhận báo cáo phân bổ vốn cho hơn 26.400 tỷ đồng, số vốn còn lại chưa phân bổ là gần 820 tỷ dồng. Trong đó, 3/4 bộ ngành chưa phân bổ vốn gồm: Ủy ban Dân tộc, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Liên minh hợp tác xã.
Ngoài ra, 12/48 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn là: Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Thái Bình, Quảng Nam, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Phước, Sóc Trăng. Riêng tỉnh Bình Phước chưa phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững.
Tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp từ ngân sách Trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia mới đạt gần 2.300 tỷ đồng, tương đương 6,9% tổng dự toán thực hiện trong năm (bao gồm dự toán kéo dài từ các năm trước và dự toán giao trong năm).
Cụ thể, chương trình Phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt hơn 1.100 tỷ đồng (khoảng 5,6% tổng dự toán thực hiện trong năm bao gồm dự toán kéo dài từ các năm trước và dự toán giao trong năm), chương trình Xây dựng nông thôn mới hơn 200 tỷ đồng (khoảng 8% kế hoạch), chương trình Giảm nghèo bền vững hơn 1.000 tỷ đồng (đạt 9,6% tổng dự toán).
4 tỉnh lũy kế giải ngân vốn sự nghiệp từ ngân sách Trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đạt tỷ lệ giải ngân từ 20% trở lên so với tổng dự toán thực hiện trong năm, tính đến hết tháng 6/2024, gồm: Nghệ An (27,2%), Quảng Nam (25,8%), Ninh Thuận (24,5%), Thanh Hóa (23,8%).
Ngược lại, 10 tỉnh lũy kế giải ngân vốn dưới 5% là: Thái Bình, Vĩnh Long, Phú Thọ, Phú Yên, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Yên Bái, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Lai Châu.
Bộ Tài chính nhận định, vướng mắc nhất hiện nay là chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn một số đơn giá, định mức hỗ trợ chưa được ban hành. Ví dụ: định mức hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung, đầu tư kiên cố hóa đường đến trung tâm xã …
Bên cạnh đó, nội dung hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại UBND cấp xã cũng đang chờ hướng dẫn chi tiết.
Tháo gỡ vướng mắc để triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia là mối quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước. Từ năm 2024, việc triển khai thực hiện các chương trình này đã có hành lang pháp lý đối với những vấn đề đặc thù. Đó là Nghị quyết 111/2024/QH15 của Quốc hội.
Tuy nhiên do mới ban hành ngày 18/1, nên Nghị quyết 111 chưa được quán triệt và triển khai một cách đồng bộ ở một số địa phương.
Nguồn: nongnghiep.vn