Chương trình Kết nối cung cầu được TP.HCM và các tỉnh thành triển khai, đến nay được nâng cấp thành sự kiện cấp Vùng, với quyết tâm xây dựng chuỗi cung ứng an toàn, bền vững từ nuôi trồng, thu hoạch lưu trữ, sơ chế, chế biến và sản xuất… đến tiêu dùng.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, để xây dựng chuỗi cung ứng an toàn bền vững, nâng chất các hoạt động kết nối, thành phố xác định việc kết nối không chỉ dừng lại ở việc kết nối giữa người mua – người bán, mà còn là kết nối nâng cao trách nhiệm.
“Trách nhiệm của nhà cung cấp trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm; trách nhiệm của nhà bán lẻ trong việc định hướng, hỗ trợ sản xuất; trách nhiệm của người tiêu dùng trong việc giám sát và trách nhiệm của ngành công thương, ngành nông nghiệp trong xây dựng chuỗi cung ứng an toàn, bền vững”, lãnh đạo TP.HCM nói.
Sau 12 năm tổ chức, Hội nghị Kết nối cung cầu năm 2024 với chủ đề “Kết nối trách nhiệm – Xây dựng chuỗi cung ứng xanh” được tổ chức tại Nhà thi đấu Phú Thọ (quận 10) từ ngày 26-29/9 có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, với 700 gian hàng của hơn 2.000 doanh nghiệp đến từ 45 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Nhiều nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP, ẩm thực của 6 vùng miền trên cả nước như trâu gác bếp, mắc kén, miến dong, tỏi Lý Sơn, mạch nha Mộ Đức, hương quế Trà Bồng, kẹo gương, yến sào Cần Giờ, bánh tráng Củ Chi, nem Lai Vung, trà sen Đồng Tháp, kẹo dừa Bến Tre, mắm Châu Đốc, bánh Pía Sóc Trăng, lạp xưởng Cần Đước… được trưng bày, giới thiệu đến người dân TP.HCM và du khách.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, chương trình có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực đi vào chiều sâu như hoạt động kết nối B2B trực tiếp, tìm kiếm nguồn hàng của các chợ đầu mối, 13 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam, 4 sàn thương mại điện tử cùng với các hoạt động kết nối trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử.
Ông Võ Hùng Mạnh, chủ cơ sở Thiên Hương (Bạc Liêu) mang các sản phẩm tôm khô, tôm đất, bánh phồng tôm đạt sản phẩm OCOP 3 sao, được làm từ nguồn nguyên liệu tôm thiên nhiên của Bạc Liêu với mong muốn quảng bá. “Tôi muốn đem đến tận tay người tiêu dùng TP.HCM để họ có thể dùng thử, tin tưởng và lựa chọn sản phầm của mình. Đồng thời, mong muốn sản phẩm được kết nối với nhiều đơn vị, nhà bán lẻ của TP.HCM”, ông Mạnh nói.
Ở góc độ địa phương, ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Thuận cho biết, tham gia kết nối năm nay, địa phương có 21 doanh nghiệp tham gia kết nối, tăng gấp đôi số lượng so với năm ngoái.
“Tất cả các doanh nghiệp đều đã đăng ký tham gia ký kết cụ thể với từng hệ thống, doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm với nhiều hoạt động.
Với sự hỗ trợ của TP.HCM trong việc livestream bán hàng trên Tiktokshop, hy vọng sẽ giúp các doanh nghiệp Bình Thuận giới thiệu, quảng bá nông đặc sản, sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với người tiêu dùng TP.HCM và cả nước”, ông Tài nói.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương, tại sự kiện kết nối cung cầu năm nay, lần đầu tiên sẽ diễn ra chiến dịch “Siêu LIVE hàng Việt” trên nền tảng TikTok, với tổng cộng 19 phiên live được dẫn dắt bởi 19 nhà sáng tạo nội dung, nhằm quảng bá cho hơn 200 nông sản, sản phẩm đặc trưng đến từ 45 tỉnh, thành trên cả nước.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài đánh giá cao chương trình kết nối cung – cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh thành năm nay, góp phần thực hiện các nhiệm vụ và chỉ đạo của Chính phủ nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2024. Đồng thời, triển khai nhiệm vụ cung ứng hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường các dịp Tết nguyên đán, hoàn thiện chuỗi cung ứng hàng hoá sản xuất trong nước.
“Chương trình đã tạo cơ hội để bên mua – bên bán kết nối trực tiếp, tiết giảm chi phí trung gian, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng bền vững. Giúp các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường tìm kiếm nguồn hàng chất lượng cao, giá cả hợp lý trên phạm vi cả nước để bổ sung nguồn cung bình ổn thị trường, phục vụ thị trường thành phố dịp Tết Ất Tỵ 2025 sắp tới.
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp thành phố và các tỉnh, thành tìm kiếm đầu ra, phát triển thị trường cho sản phẩm thế mạnh của từng địa phương”, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nói và cam kết sẵn sàng hỗ trợ triển khai công tác kết nối cung cầu nhằm hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp chuẩn bị hàng hóa bình ổn thị trường các dịp lễ, Tết của TP.HCM với các tỉnh, thành và hướng tới xuất khẩu thông qua hệ thống cơ quan Thương vụ và các Đại sứ quán tại nước ngoài.
“TP.HCM mong muốn không chỉ hỗ trợ hàng hóa, kết nối trực tuyến 24/24, kết nối xây dựng thương hiệu mà từng bước đặt nền móng để tiến tới chuỗi cung ứng an toàn, bền vững, trách nhiệm và minh bạch”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nói và đề nghị Sở Công thương TP.HCM tập trung các giải pháp sau kết nối.
Theo đó, những sản phẩm được hệ thống phân phối lựa chọn cần được hỗ trợ để hoàn thiện hồ sơ cung ứng; giải quyết các khó khăn về công nợ, phương thức giao hàng, thanh toán, xử lý tồn kho…
Đồng thời, tổ chức thường xuyên hơn hoạt động kết nối trực tuyến, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo… để họ có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc sắc. Đặc biệt, giúp doanh nghiệp nhận thức được tiềm năng, cơ hội phát triển thị trường thông qua kênh bán hàng thương mại điện tử, bán hàng đa kênh, bán hàng thông qua mạng xã hội…
Nguồn: nongnghiep.vn