Cuộc thi do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) phối hợp cùng các đơn vị tổ chức.
Trong cuộc tranh tài vòng chung kết có 36 ý tưởng/dự án của 26 tỉnh, thành, trải dài từ Bắc – Trung – Nam. Đặc biệt, cuộc thi Khởi nghiệp Xanh năm nay thu hút sự tham gia của nhiều bạn trẻ, thanh niên nông thôn là đồng bào các dân tộc như Dao, Mông, Mường, Nùng, Tày, Thái, Raglai… với các dự án từ tài nguyên bản địa quê mình.
Bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm BSA, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, qua 10 năm triển khai cuộc thi, đến nay BSA đã kết nối, phối hợp với nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế. Qua đó, hỗ trợ, thúc đẩy cho các dự án trong hệ sinh thái Khởi nghiệp Xanh chuẩn hóa về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, ngày càng đứng vững hơn trên thị trường nội địa, là tiền đề để vươn ra xuất khẩu đến nhiều thị trường quốc tế.
“Họ thực sự đang trên con đường trở thành những doanh nông trong lĩnh vực nông nghiệp, đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam được chế biến sâu đến nhiều nơi trên thế giới”, bà Vũ Kim Anh nói.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Giám đốc Trung tâm BSA, sau 10 năm triển khai đã có hơn 2.300 thí sinh tham dự cuộc thi Khởi nghiệp Xanh, với gần 1.600 dự án đến từ 62 tỉnh, thành. Qua đó, cộng đồng doanh nông khởi nghiệp ngày càng tăng về số lượng, cũng như đa dạng sản phẩm gắn phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn gắn với tài nguyên bản địa.
“Sau mỗi cuộc thi nhiều dự án đã có những sản phẩm thâm nhập sâu vào thị trường trong nước và thế giới”, bà Hạnh nói và cho biết thêm.
Với dự án “Bánh củ mì nhân thịt Lowcarb” (TP.HCM), thí sinh Mai Anh Tuấn mong muốn làm ra sản phẩm bánh từ củ khoai mì bản địa của vùng đất thép Củ Chi để người tiêu dùng có thể ăn kèm với cà phê.
“Bánh khoai mì của Cusami được làm từ 100% khoai mì tươi ngon, giàu tinh bột hấp thu chậm, không chứa gluten, rất phù hợp cho người ăn kiêng, người mắc bệnh tiểu đường và những người có vấn đề về tiêu hóa. Sản phẩm cung cấp năng lượng bền vững, giúp no lâu hơn và kiểm soát cân nặng hiệu quả. Hiện tại dự án đang có hai dòng chính: bánh giò khoai mì, bánh khoai mì nướng”, thí sinh Mai Anh Tuấn chia sẻ.
Dự án “Lucbinhgauze: Băng gạc sinh học từ cây lục bình” (Trà Vinh) với ý tưởng đột phá chiết xuất xenlulozơ từ cây lục bình để làm nên băng gạc Hydrogel.
“Ở Trà Vinh và nhiều tỉnh miền Tây hiện nay, sự xâm lấn của lục bình là vấn đề môi trường chưa được giải quyết triệt để. Không chỉ làm tắc nghẽn các dòng sông, kênh rạch mà còn gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái thủy sinh. Nếu đưa công nghệ chiết xuất xenlulozơ từ lục bình để sản xuất ra một sản phẩm công nghệ cao như băng gạc Hydrogel có thể tiêu thụ được khoảng 4-5 tấn lục bình mỗi tháng”, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh giới thiệu về dự án và cho biết, LucbinhGauze là loại băng gạc y tế được sản xuất từ sợi xenlulozơ của cây lục bình, có khả năng hút dịch, tạo gel, độ ẩm, bảo vệ và làm lành vết thương hiệu quả. Đặc biệt, ưu điểm của nó là dễ phân hủy, không gây ô nhiễm môi trường.
Với dự án “Nâng cao giá trị quả mận kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng”, nhóm thí sinh Cà Thị Bẩy (Bắc Kạn) đã làm ra các sản phẩm từ quả mận như ô mai mận sấy dẻo, siro mận tam hoa, rượu mận… Ngoài ra, dự án cũng đang phát triển sản phẩm du lịch sinh thái trải nghiệm vườn mận, qua đó có thể tạo thêm việc làm, tăng thu nhập của người dân địa phương, cũng như góp phần gìn giữ các nghề thủ công bản địa như dệt và các giá trị văn hóa địa phương.
Với mong muốn mang đến thức uống làm hoàn toàn từ lá sen tươi, mang hương vị độc đáo và lợi ích cho sức khỏe, nhóm thí sinh Nguyễn Thị Hồng Ngọc đến từ Đồng Tháp đã triển khai dự án “Ecohome Đồng Tháp – Khởi tạo giá trị mới từ lá sen với sản phẩm OolongSen”.
Hiện sản phẩm OolongSen đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quốc tế, với chứng nhận ISO 22.000:2018 và HACCP, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. “Định hướng phát triển của Ecohome không chỉ tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn xây dựng chuỗi giá trị bền vững, hỗ trợ cộng đồng địa phương, góp phần quảng bá nét đẹp đặc trưng của cây sen Việt Nam ra thế giới”, chị Hồng Ngọc chia sẻ.
Dự án “Đà Giang ECO” (Hòa Bình) tận dụng tài nguyên bản địa từ sông Đà cho một tương lai bền vững của nhóm bạn trẻ thuộc Hợp tác xã Đà Giang ECO với các sản phẩm chủ lực như cá trắm đen, cá lăng và cá ngạnh được nuôi trồng, không sử dụng hóa chất hay thức ăn công nghiệp, đảm bảo chất lượng an toàn, giàu dinh dưỡng. Bên cạnh sản phẩm cá sạch, Đà Giang ECO phát triển du lịch trải nghiệm lòng hồ Hòa Bình, tạo cơ hội để du khách khám phá vẻ đẹp vùng sông Đà và tìm hiểu quy trình nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và VietGAP, thân thiện với môi trường.
Dự án “Hồng Nam – Gìn giữ và phát triển tinh hoa nhãn lồng Hưng Yên” của HTX Sản xuất – Thương Mại và Dịch vụ Nông nghiệp Hồng Nam (Hưng Yên) với các sản phẩm chủ lực là nhãn quả tươi, long nhãn, long nhãn ôm sen đạt các tiêu chuẩn như VietGAP, HACCP.
Nguồn: nongnghiep.vn