Sáng 15/11, Bộ NNPTNT phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức Hội nghị toàn quốc công tác nước sạch nông thôn.
Theo ông Lương Văn Anh, Phó cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), tính đến cuối năm 2023, trên toàn quốc có 74,2% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước đạt quy chuẩn, trong đó có 55,1% số hộ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung và 19,1% số hộ sử dụng nước từ cấp nước hộ gia đình.
Tuy nhiên, tại một số tỉnh vẫn còn tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung rất thấp trên cả nước như: Hà Giang (7,7%), Gia Lai (7,7%), Yên Bái (11,4%), Cao Bằng (12,6%), Lâm Đồng 12,8%, Điện Biên (13,5%).
Đặc biệt, vùng miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên có tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn thấp nhất trên toàn quốc và đây cũng là những vùng có tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung thấp nhất so với các vùng khác và so với tỷ lệ trung bình toàn quốc.
Trong số 18.109 công trình cấp nước, vẫn còn khoảng 41,8% công trình hoạt động kém bền vững và không hoạt động, ảnh hưởng đến khoảng 200.000 hộ (chiếm 1,2% dân số nông thôn), chủ yếu là công trình cấp nước tập trung nông thôn có quy mô rất nhỏ (có công suất <50m3/ngđ), do UBND xã và cộng đồng quản lý vận hành.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh rằng cần phải nhận thức đúng tình hình thực tế để triển khai các giải pháp phù hợp và đảm bảo hiệu quả cao trong phân bổ nguồn lực, thực hiện các dự án cấp nước. Ngoài ra, cần hành động nhanh chóng và quyết liệt, hướng đến năm 2030, có ít nhất 80% cư dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: “Phải nhận thức đúng, hành động nhanh, có hiệu quả và người hưởng lợi phải là người dân nông thôn”.
Để tháo gỡ khó khăn trong cấp nước sạch cho vùng nông thôn, việc hoàn thiện thể chế chính sách là yếu tố quyết định. Khi thể chế rõ ràng và đầy đủ, sẽ dễ dàng thu hút nguồn đầu tư khác ngoài ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về nước sạch, đảm bảo sự phối hợp hiệu quả giữa các cấp chính quyền trong việc triển khai các chương trình cấp nước.
Đồng thời, xác định lại vai trò của khu vực tư nhân trong quản lý và đầu tư các công trình cấp nước, có thể xem xét về mô hình “đầu tư công, quản lý tư”. Mô hình này không chỉ tận dụng được nguồn vốn tư nhân mà còn thúc đẩy tính chuyên nghiệp trong công tác vận hành và bảo trì công trình.
Hoàn thiện các nghị định về cấp nước và xây dựng Luật cấp nước để tạo ra khung pháp lý vững chắc, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý. Cùng với đó, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp để xác định lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nước sạch, nhằm nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả quản lý, bảo vệ nguồn nước.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Cục Thủy lợi tiến hành rà soát và đánh giá lại các công trình cấp nước hiện có. Dựa trên kết quả đánh giá, cần phân loại cụ thể các công trình và chỉ đạo các địa phương triển khai giải pháp khắc phục để 41,8% các công trình cấp nước đang hoạt động kém hiệu quả có thể hoạt động ổn định trở lại.
Bộ NN-PTNT cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cục, đơn vị và ban ngành liên quan, hỗ trợ các địa phương trong việc đưa ra các biện pháp phù hợp, linh hoạt, tùy theo đặc thù và tình hình cụ thể của từng khu vực, từ đó, cải thiện chất lượng và hiệu quả của các công trình cấp nước sạch, bảo đảm nguồn nước bền vững cho người dân nông thôn.
Nguồn: nongnghiep.vn