Ngày 24/9, tại Hội thảo An toàn thông tin trong chuyển đổi số, do Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ phối hợp cùng Hội truyền thông số Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Trọng Anh, Phòng Bảo vệ an ninh hệ thống mạng thông tin Quốc gia (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – A05, Bộ Công an) cho biết, đến thời điểm hiện tại, tình trạng tấn công vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam đã giảm, do triển khai thực hiện tốt kế hoạch đấu tranh với các đối tượng tin tặc trong và ngoài nước.
Cụ thể, năm 2019 cả nước đã xảy ra 5.200 cuộc tấn công vào các hệ thống thông tin và 3.870 trang thông tin điện tử (trong đó có 193 trang “.gov.vn”). Đến năm 2021, giảm chỉ còn 2.763 trang thông tin điện tử bị tấn công.
6 tháng đầu năm 2024, A05 đã phát hiện, xử lý 211.000 cảnh báo tấn công mạng và 20 sự cố tấn công mạng đặc biệt nghiêm trọng.
Trong đó, nổi lên là các hoạt động tấn công mã hoá dữ liệu, đòi tiền chuộc nhắm vào các tập đoàn, doanh nghiệp tài chính, năng lượng, viễn thông, gây ngưng trệ hoạt động quản lý điều hành. Hệ thống thông tin của các Bộ, ngành, địa phương cũng bị các nhóm tin tặc tấn công, chiếm quyền quản trị, thay đổi giao diện.
Đối với việc sử dụng mạng xã hội, cả nước hiện có 78,4 triệu người dùng mạng Internet, tăng gấp 2 lần so với năm 2015. Với khoảng 72,7 triệu tài khoản mạng xã hội, bao gồm: Facebook, Zalo, Tiktok, Instagram… tăng gấp 4 lần so với năm 2014.
Thời gian sử dụng mạng xã hội trung bình hơn 2,5 giờ/ngày. Facebook đang là mạng xã hội được yêu thích tại Việt Nam với 93% người dùng, kế đến là Zalo khoảng 91% và Tiktok có 75% người dùng.
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng mạng Internet và thiết bị thông minh, A05 cảnh báo người dùng chỉ tải và cài đặt ứng dụng được xác thực bởi Google và Apple.
Đồng thời, cấp quyền cụ thể cho từng ứng dụng; không cài đặt phần mềm, ứng dụng từ kho ứng dụng thứ 3. Thiết lập ngăn chặn, lưu ý khi sử dụng một số quyền nguy hiểm ảnh hưởng đến thông tin cá nhân gồm: danh bạ, truy cập dữ liệu hình ảnh, video, định vị…
Trường hợp khi truy cập vào các trang web, người dùng hạn chế nhấn vào các biểu tượng quảng cáo và không mở các tệp, đường dẫn không rõ nguồn gốc; hạn chế dùng Internet công cộng.
Bên cạnh đó, người sử dụng thiết bị thông minh cần thường xuyên cập nhật hệ điều hành, phần mềm. Cẩn trọng khi sử dụng các dịch vụ lưu trữ, đồng bộ trên đám mây.
Sử dụng mật khẩu mạnh, duy nhất và thực hiện thay đổi định kỳ. Kích hoạt xác thực hai yếu tố, không chia sẻ mật khẩu với bất kỳ ai.
Trong quá trình sử dụng, người dùng lưu ý theo dõi hoạt động của tài khoản thường xuyên, để kiểm tra và phát hiện các hoạt động đáng nghi ngờ như đăng nhập từ địa điểm không xác định hoặc thiết bị mới.
Riêng đối với mạng xã hội, người dùng cần thiết lập các chế độ khôi phục tài khoản đầy đủ, cảnh báo đăng nhập, xét duyệt đăng nhập theo phiên, thoát phiên đăng nhập trong trường hợp quên đăng xuất tài khoản.
Nguồn: nongnghiep.vn