Sáng ngày 28/10, tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức hội thảo “Thực trạng sử dụng vật tư nông nghiệp và các giải pháp xử lý thu gom chất thải trong sản xuất cà phê”.
Tham dự có ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT); đại diện các ngành chức năng, nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng.
Những năm gần đây, do tình trạng thiếu lao động và chi phí sản xuất gia tăng, đã dẫn đến việc người sản xuất cà phê sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhiều hơn, ảnh hưởng đến nguồn nước, sức khỏe cộng đồng và xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc sử dụng nông dược, vật tư đầu vào không đúng cách vẫn còn phổ biến trong sản xuất cà phê. Cùng với đó, việc thu gom và xử lý chất thải trong sản xuất cà phê, bao gồm các loại vỏ, bao bì, thùng chứa vật tư nông nghiệp như các loại phân bón, hóa chất, thuốc BVTV ngày càng trở thành vấn đề nhức nhối khi những loại rác thải này được xả thẳng ra môi trường và nguồn nước.
Do đó, hội thảo đã tập trung đánh giá tác động của việc trồng xen trong vườn cà phê đến sinh vật gây hại chính và thúc đẩy sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm để phát triển sản xuất cà phê bền vững tại các tỉnh Tây Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung thông qua quá trình điều tra tại 150 hộ ở Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng với diện tích 1,4ha/hộ.
Theo số liệu thống kê của Cục BVTV (Bộ NN-PTNT), lượng thuốc BVTV được sử dụng đối với cây cà phê trung bình là 5 lít/ha, trong đó 60% nông dân đang sử dụng quá mức thuốc BVTV. Ước lượng vỏ bao bì thuốc BVTV phát sinh trong sản xuất cà phê năm 2023 là 2,15 nghìn tấn.
Bà Nguyễn Thị Hoài, đại diện Cục BVTV cho biết, năm 2022, cả nước đã thu gom được hơn 412 tấn bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; xử lý hơn 216 tấn theo phương pháp đốt đúng quy định, 35,4 tấn tự xử lý theo phương pháp đốt và chôn lấp tại bãi rác của địa phương, 16,1 tấn chưa được xử lý tiêu hủy.
“Công tác thu gom bao bì thuốc BVTV được đặc biệt quan tâm. Đã có 48/63 tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; 42/63 tỉnh, thành phố có 57.910 bể thu gom”, bà Nguyễn Thị Hoài thông tin.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc BVTV không đúng cách vẫn còn phổ biến trong sản xuất cà phê. Vì lợi nhuận, các đại lý không ngần ngại đưa ra những hướng dẫn sai lệch để khuyến khích nông dân mua và sử dụng càng nhiều hóa chất nông nghiệp càng tốt.
Việc trồng xen cà phê với các loại cây công nghiệp, cây ăn quả như hồ tiêu, sầu riêng, bơ, mắc ca… ngày càng phổ biến ở 5 tỉnh Tây Nguyên dẫn đến việc nhiễm chéo các loại thuốc BVTV sử dụng, làm cho việc quản lý dư lượng thuốc BVTV trên hạt cà phê rất khó khăn và phức tạp.
Trong khi các thị trường xuất khẩu chính của cà phê Việt Nam như châu Âu, Mỹ có yêu cầu ngày càng khắt khe hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm và dư lượng thuốc BVTV với danh mục chất cấm liên tục được bổ sung.
Do đó, các chuyên gia tại hội thảo đã đưa ra các giải pháp xử lý, thu gom chất thải trong sản xuất cà phê như: Đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở về quản lý, sử dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng; tăng cường tập huấn về sử dụng thuốc BVTV trên các loại cây trồng cụ thể để nông dân áp dụng.
Tại hội thảo, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, hiện nay đã có những quy định thu gom, bể chứa, vận chuyển, xử lý tập trung rác thải thuốc BVTV nhưng khi gắn vào thực tiễn thì nhiều địa phương, cơ sở xử lý không triệt để. Thứ nhất, cơ sở hạ tầng ở nhiều nơi chưa đáp ứng được việc thu gom; thứ hai, người dân chưa ý thức được trách nhiệm của mình đối với việc thu gom; thứ ba, các cấp chính quyền vào cuộc chưa đồng bộ, việc thu gom còn thiếu các điều kiện để xử lý tập trung.
“Chúng ta cần phải xác định rõ các tác nhân trong chuỗi xử lý này, bắt đầu từ người sử dụng thuốc BVTV, ý thức trách nhiệm của người thu gom đến người vận chuyển, xử lý. Tất cả các tác nhân này đều phải được tăng cường năng lực và được thống nhất trách nhiệm với nhau”, ông Lê Quốc Thanh cho hay.
“Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ cùng Cục BVTV, Tổ chức Diễn đàn cà phê toàn cầu (GCP) hợp tác để hình thành bộ tài liệu nhằm tăng cường năng lực cho tất cả những người tham gia vào hoạt động thu gom từ điểm đầu đến điểm cuối cũng như các giải pháp cuối cùng. Tăng cường mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động khuyến nông cho nông dân và cộng đồng xã hội về sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm, vì môi trường chung”, ông Lê Quốc Thanh cho biết.
Nguồn: nongnghiep.vn