Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, dự báo diễn biến thiên tai vùng ĐBSCL trong bối cảnh mới sẽ phức tạp hơn, khó lường hơn do biến đổi khí hậu và các tác động từ khai thác tài nguyên ở thượng nguồn sông Mê Kông và phát triển nóng về kinh tế xã hội ở vùng. Điều này sẽ tác động đến môi trường sinh thái, hạ tầng sản xuất, yêu cầu những chiến lược, quy hoạch mang tính toàn diện, đồng bộ hơn về phòng chống thiên tai trong giai đoạn 2021-2030.
8 loại hình thiên tai trên vùng ĐBSCL
Chia sẻ về tình hình vùng ĐBSCL, ông Trần Duy An, Phó trưởng phòng Quy hoạch Thủy lợi, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam nhận định, thiên tai đang ảnh đã và đang đe dọa trực tiếp đến sinh hoạt và sinh kế của người dân.
Toàn vùng hiện có hơn 800 khu vực sạt lở và 686 vị trí sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài trên 1.000km; trung bình mỗi đồng bằng năm mất từ 300 – 500ha đất do sạt lở bờ sông, bờ biển. Tốc độ sụt lún trung bình hàng năm toàn ĐBSCL trong giai đoạn này là 1,07cm.
Ngoài ra, hạn hán và xâm nhập mặn làm suy giảm nguồn nước sinh hoạt và sản xuất, đặc biệt tại các tỉnh ĐBSCL. Nhiều hệ thống thủy lợi vẫn chưa hoàn chỉnh, hệ thống cống không có tính chủ động trong điều tiết hoặc kiểm soát nguồn nước, hệ thống trạm bơm điện còn thiếu so với nhu cầu, có khoảng gần 1 triệu hộ dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, trong đó có nhiều khu vực không thể cấp nước tập trung. Năm 2020, diện tích lúa bị thiệt hại do xâm nhập mặn lên tới 59.624 ha, tương đương 14,8% so với năm 2016.
Từ trước đến nay, lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của 1.830 người, gây ngập 488.827 căn nhà, và làm sạt lở 15.928 nghìn m³ đất đê bao. Sụp lún cục bộ ghi nhận 2.059 điểm, ảnh hưởng tới 51km đê và đường giao thông. Cà Mau là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất với 1.685 điểm sụp lún, trong đó TP. Cà Mau có 21 điểm.
Mục tiêu giảm 50% thiệt hại về người trong các trận lũ lớn
Về định hướng phòng chống thiên tai trong thời gian tới, đại diện Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho biết, ĐBSCL đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 50% thiệt hại về người trong các trận lũ lớn so với giai đoạn 2011-2020, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật cơ cấu tổ chức phòng chống thiên tai, hạn hán cho diện tích có nguy cơ ở vùng giữa vùng ven biển 530.000 ha thuộc các tiểu vùng ngọt hóa; giảm thiểu tác động xâm nhập mặn cho 600.000 ha khu vực ven biển thuộc vùng dự án thủy lợi; sắp xếp lại, di dời dân cư ra phấn đấu hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.
Một số giải pháp đã được áp dụng để đối phó với tình trạng sụt lún, sạt lở sông và xói lở bờ biển bao gồm: chuyển đổi mô hình sản xuất, giảm lượng nước sử dụng vào cao điểm mùa khô, và giảm tải trọng trên các tuyến đường có nguy cơ cao về sụt lún. Đồng thời, việc kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động nạo vét kênh rạch và xây dựng các hệ thống kè bảo vệ bờ sông, kè gây bồi để tạo bãi giảm sóng, giúp bảo vệ bờ biển cũng được triển khai.
Đối với hạn hán và xâm nhập mặn, các giải pháp như nạo vét kênh mương, xây dựng cổng kiểm soát nước cho hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé và Ninh Quới đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Các công trình này không chỉ bảo vệ 12.580 ha đất nông nghiệp mà còn cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 800.000 người dân ở tỉnh Tiền Giang trong mùa khô 2023-2024.
Để ứng phó với ngập lụt do lũ từ sông chính và ngập úng do mưa lớn, triều cường, việc xây dựng các cụm – tuyến dân cư vượt lũ, phát triển hạ tầng đê bao kiểm soát, và đầu tư hệ thống kết cấu đê, cống và trạm bơm đã được ưu tiên. Những giải pháp này góp phần giảm thiểu rủi ro thiên tai và bảo vệ đời sống của người dân trong khu vực.
“Hạ tầng thủy lợi đóng vai trò quan trọng trong giảm thiểu và phòng chống thiên tai đối với vùng ĐBSCL, hiện đã từng bước được hoàn thiện, tuy rằng trong những năm cực đoan về hạn hán, ngập lụt vẫn còn bộc lộ nhiều rủi ro, đòi hỏi phải hoàn thiện và tiếp cận ở mức độ quản lý rủi ro, đồng bộ cùng các giải pháp mềm khác”, ông An cho biết. Theo đó, bên cạnh phát triển hạ tầng, các giải pháp phi công trình là giải pháp quan trọng để giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Nguồn: nongnghiep.vn