Khởi động dự án nông nghiệp sinh thái thông minh
Ngày 13/12, tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, Bộ NN-PTNT phối hợp với Liên minh Châu Âu (EU) thông qua đơn vị triển khai – Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tổ chức Lễ khởi động dự án “Chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp sinh thái thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng giữa và ven biển ĐBSCL (gọi tắt là Star-Farm).
Dự án do Liên minh Châu Âu tài trợ với tổng số vốn là 4.150.000 euro (tương đương hơn 107 tỷ đồng) và được thực hiện tại Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh trong thời gian 4 năm. Star-Farm được thiết kế nhằm mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi các hệ thống lương thực thông minh, đồng thời tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường và các tác động bên ngoài khác.
Dự án được khởi động nhân dịp khai mạc Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023, với sự tham gia của đại diện từ phái đoàn Liên minh Châu Âu, Bộ NN-PTNT, các đối tác phát triển cùng đại diện từ ba tỉnh hưởng lợi là Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh.
“Liên minh Châu Âu rất tự hào và cam kết ủng hộ sáng kiến thúc đẩy việc chyển đổi hệ thống nông nghiệp sinh thái thông minh và thích ứng với biến đổi khí hậu ở các tỉnh ĐBSCL”, ông Roberto Ruiz, Tham tán Thứ nhất, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị khởi động dự án. Đồng thời cho rằng: “Việc chuyển đổi này rất phức tạp, tốn kém và nhiều thách thức, nhưng nó mang lại nhiều cơ hội to lớn về mặt kinh tế cho các quốc gia như Việt Nam. Chúng tôi rất vui mừng được cùng với Bộ NN-PTNT, các lãnh đạo địa phương, Tổ chức FAO và các đối tác của Dự án có mặt ở đây hôm nay để cùng khởi động Dự án mới này do Liên minh Châu Âu tài trợ, hòa chung không khí tưng bừng của Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam đang diện ra tại tỉnh Hậu Giang”.
Tăng cường khả năng thích ứng
Dự án Star-Farm được thực hiện trên cơ sở hợp tác chặt chẽ với các tổ chức CIRAD và IRD của Pháp, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cùng một số Viện, Trường khác tại Việt Nam. Các hoạt động can thiệp của dự án hỗ trợ cho 3 tỉnh thuộc ĐBSCL bao gồm Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh nhằm phát triển và cải thiện các hệ thống lương thực và các chuỗi giá trị nông nghiệp sinh thái, công bằng, thân thiện với khí hậu và môi trường. Tăng cường năng lực thích ứng để thực hiện chuyển đổi thông minh các hệ thống nông sản thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bà Phạm Thanh Thủy, Điều phối viên Dự án FAO cho biết, mục tiêu của dự án Star-Farm là tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi các hệ thống lương thực thông minh với biến đổi khí hậu, đồng thời tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường và các tác động bên ngoài khác.
Theo đó, dự án sẽ hỗ trợ thực hiện chính sách, các đối thoại đa bên và nâng cao năng lực tổ chức cho các bên liên quan trong hợp tác công tư liên quan đến chuyển đổi hệ thống lương thực thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Hỗ trợ phát triển và cải thiện các chuỗi giá trị nông nghiệp sinh thái bao gồm tổng hợp, phân tích và cải tiến các hệ thống sản xuất nông nghiệp sinh thái, nâng cao năng lực cho các tổ chức của nông dân và hợp tác xã, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông nghiệp.
Khuyến khích phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp sinh thái công bằng, thân thiện với khí hậu và môi trường. Tăng cường năng lực thích ứng như nâng cao năng lực của các bên liên quan về giám sát đánh giá trong chuyển đổi các hệ thống lương thực và đóng góp do quốc gia tự quyết định của các hệ thống này. Thúc đẩy các cơ chế đổi mới sáng tạo nhằm khuyến khích các chuỗi giá trị nông nghiệp sinh thái công bằng, thân thiện với khí hậu và môi trường.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) chia sẻ: “Kết quả của dự án Star-Farm được kỳ vọng sẽ đóng góp vào việc thực hiện các chính sách của Chính phủ về phát triển bền vững tại ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Nguồn: nongnghiep.vn