Trước khi làm việc với UBND tỉnh Yên Bái, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã kiểm tra thực địa tại huyện Yên Bình, thị sát thực tế nhà máy thủy điện Thác Bà.
Thăm hỏi và tặng quà người dân chịu thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng chia sẻ những khó khăn, vất vả mà bà con đang phải đối mặt, đồng thời đánh giá cao chính quyền địa phương đã thực hiện tốt công tác di dân với sự ủng hộ, phối hợp tích cực của nhân dân trong vùng.
Tại công trình thủy điện Thác Bà, đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà đã báo cáo với Phó Thủ tướng về lưu lượng nước hồ thủy tăng cao do mưa lũ và các giải pháp đảm bảo an toàn, duy trì phát điện, để không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Trong buổi làm việc, ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái thông tin, do chịu ảnh hưởng của bão số 3, các khu vực trong tỉnh Yên Bái từ đêm 6/9 đến 8/9 có mưa lớn kéo dài và dông lốc. Các sông suối trong tỉnh xuất hiện lũ lên. Lũ trên sông Ngòi Thia, sông Hồng đang tiếp tục lên nhanh.
Dự báo do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 3), nên từ hôm nay đến hết ngày 10/9, các khu vực trong tỉnh Yên Bái tiếp tục có mưa to đến rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 150 – 250mm (có nơi trên 300mm). Mưa lớn kéo dài đến hết ngày 10/9; từ ngày 11/9 mưa giảm nhanh cả về diện và lượng, chỉ còn xảy ra mưa rào và dông rải rác tập trung vào chiều tối và đêm.
Để chủ động ứng phó với bão, tỉnh Yên Bái chỉ đạo chính quyền các địa phương và các cơ quan liên quan theo dõi thời tiết, thực hiện các phương án theo kế hoạch và phương án đã duyệt để ứng phó khi có tình huống xảy ra. Địa phương đã chủ động thành lập các đoàn công tác xuống địa bàn để chỉ đạo, rà soát các khu vực nguy cơ, triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai.
Báo cáo về tình hình thiệt hại, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, đến nay Yên Bái có 1 người chết, thiệt hại 439 nhà ở; tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại và ảnh hưởng hơn 600ha; sạt lở đất đá ở nhiều điểm ảnh hưởng đến một số tuyến giao thông và đang được triển khai khắc phục để đảm bảo lưu thông trên tuyến.
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang duy trì công tác trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời đến tận các thôn, bản để chính quyền, người dân biết, chủ động phòng tránh. Đồng thời sẵn sàng các phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có tình huống xảy ra.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, Yên Bái là địa phương thường xuyên chịu tác động của thiên tai và các hình thái chủ đạo là dông lốc, mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất,… Thông thường, trước và khi bão vào thì các tỉnh ven biển lo lắng nhưng với Yên Bái thì khi bão tan là lúc đáng lo ngại nhất, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, gây mưa lớn, lũ ống, lũ quét…
Chính vì vậy, tỉnh Yên Bái cần phát huy những kinh nghiệm, bài học từ những trận thiên tai lịch sử trước đây, tuyệt đối không chủ quan, lơ là và chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” bằng nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt, không đặt vấn đề chờ sự hỗ trợ, tài trợ mà tinh thần là sử dụng nguồn lực tại chỗ. Nhiệm vụ trước mắt là khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 và chuẩn bị giải pháp để ứng phó hoàn lưu bão.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Yên Bái, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn yêu cầu tỉnh Yên Bái xác định cơn bão số 3 đi qua nhưng hoàn lưu của bão tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nguy hiểm. Vì vậy, tỉnh phải tiếp tục chủ động xây dựng, triển khai các phương án ứng phó với mưa lớn, lũ ống, lũ quét, ngập úng… do hoàn lưu bão gây ra.
Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao việc chủ động phòng chống, ứng phó, kiểm soát tốt ảnh hưởng của cơn bão số 3, đặc biệt là kịp thời lập Ban chỉ đạo và triển khai tất cả Chỉ thị, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ sớm. Cùng với đó là tập hợp, tổng hợp được các lực lượng tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả của bão. Tỉnh đã kịp thời di dân ra khỏi khu vực xảy ra lũ quét, đảm bảo an toàn tính mạng và điều kiện sinh hoạt cho người dân. Khi bão xảy ra, tỉnh đã có phương án xử lý, hậu quả ở mức kiểm soát được và di dân an toàn.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu lãnh đạo địa phương cần kịp thời động viên, chia sẻ với gia đình có người bị nạn và thiệt hại về tài sản, đồng thời nhanh chóng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của bão.
Thời gian tới tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan Trung ương, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường để nắm bắt sát sao diễn diễn, ảnh hưởng của thiên tai. Tiếp tục xây dựng nhiều phương án khác ứng phó với lượng mưa tăng, lũ quét, sạt lở; bố trí dân cư ổn định đời sống, không để bà con bị đói; đảm bảo giao thông thông suốt.
Nguồn: nongnghiep.vn