Cuối năm 2019 xã Châu Nhân (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) được sáp nhập từ hai xã Hưng Châu và Hưng Nhân với tổng dân số trên 7.700 người. Trong đó, xã Hưng Nhân cũ nằm hoàn toàn ngoài đê sông Lam, nơi đây được xem là “rốn lũ”.
Do địa hình thấp trũng nên người dân đã thuộc nằm lòng khái niệm mưa bão, cũng bởi tình thế ngặt nghèo nên bà con luôn sẵn sàng phương án ứng phó thay vì trông chờ vào số phận.
Xác định an cư mới lập nghiệp, những năm gần đây người dân đã chủ động nâng cấp, xây mới nhà cửa và những công trình liên đới để đảm bảo cuộc sống thường nhật. Độc đáo hơn, nhiều hộ đã xây dựng “nhà chòi chống lũ”. Trường hợp cấp bách có thể di chuyển cả người và tài sản thiết yếu lên đó, rất tiện dụng.
Đáng nói mô hình này kinh phí vừa phải, phù hợp với tiềm lực của số đông. Qua khảo sát, toàn xã Châu Nhân có trên 60% hộ làm theo cách này. Đưa ra để thấy người dân nơi đây xem trọng công tác phòng chống thiên tai đến nhường nào.
Gia đình bà Trần Thị Vinh ở xóm 9, xã Châu Nhân là một ví dụ điển hình. Bà Vinh gia cảnh khốn khó, chồng mất sớm, một thân một mình bà lầm lũi nuôi 2 con, một đứa đi làm xa, trong khi người còn lại nhiễm chất độc da cam nên có lớn mà chẳng có khôn, dù trên 30 tuổi đầu nhưng vẫn ngô nghê như một đứa trẻ. Thường ngày 2 mẹ con ở nhà rau cháo nuôi nhau, vất vả vô cùng.
Cũng bởi khó khăn nên nhiều năm liền phải gắng gượng sinh hoạt trong căn nhà thấp lè tè, ngày hè nắng nóng kinh người, mùa mưa đến còn cơ cực gấp bội phần. Bao lần bão lũ ghé thăm là bấy nhiêu lần nỗi lắng lo dâng đến đỉnh điểm, có những hôm nước lũ tràn về ngập ngang cửa sổ, để đảm bảo an toàn tính mạng, bà Vinh phải cậy nhờ chòm xóm láng giềng phụ giúp đưa 2 mẹ con di chuyển đến nơi an toàn.
May thay, nhờ thụ hưởng từ chương trình xóa nhà tranh tre dột nát và sự giúp đỡ từ cộng đồng, bà Vinh đã xây dựng được một ngôi nhà 2 lầu khá vững chãi, dù diện tích khiêm tốn nhưng đủ khỏa lấp mối lo thường trực ngày cũ. Phía dưới phục vụ sinh hoạt thường nhật, tầng trên (nhà chòi) có xây cầu thang bên ngoài, phòng lúc cấp bách sẽ dùng đến.
“Mưa gió bão bùng chẳng biết đằng nào mà lần, con tôi lại bệnh tật thế kia, thực tâm mà nói nếu không có cộng đồng giúp sức mẹ con tôi chẳng thể xoay xở nổi đâu. Có nhà cửa đàng hoàng tâm lý cũng vững vàng hơn, không còn cảnh nơm nớp lo sợ như trước nữa. Thường ngày mẹ con tôi sinh hoạt ở tầng dưới, trường hợp mưa bão tràn về sẽ có đội dân quân sơ tán ra nhà tránh lũ cộng đồng, đồng thời phụ giúp, bưng bề đồ đạc, vật dụng có giá trị lên chòi trên”, bà Vinh bộc bạch.
Những năm 2010 đổ về trước, thiên tai cũng là nỗi ám ảnh không dứt đối với hộ ông Phạm Văn Hoan. Như thành thông lệ, hàng năm gia đình lại nhào nhào vài phen “chạy lụt”, cuộc sống thường ngày đối mặt với đầy rẫy bất an. Ngán ngẩm tình cảnh đêm dài lắm mộng, độ mươi năm trước từ nguồn hỗ trợ 30 triệu đồng, gia đình vay thêm 10. triệu đồng nữa từ Ngân hàng chính sách xã hội, đồng thời huy động thêm một phần khác để xây một nhà chòi hai tầng kiên cố. Từ đây, nỗi lo cơ bản đã dứt.
“Suốt thời gian dài chúng tôi chẳng có nổi giây phút thảnh thơi, quanh năm lo lắng triền miên. Mỗi khi lũ đến y như rằng lại chạy tán loạn như ong vỡ tổ, có lúc phải sống cảnh ăn nhờ ở đậu nhiều ngày trời, bằng không phải sơ tán cả nhà lên đê, chấp nhận bỏ lại tài sản giữa dòng nước đục, xót xa lắm. Phải đến khi có nhà chòi mọi thứ mới đâu vào đấy, con cái nay vững tâm khi đi làm ăn xa, ở nhà ông bà và các cháu nhỏ tự lo liệu được”.
Ngoài hệ thống “nhà chòi” độc đáo, trên địa bàn xã Châu Nhân còn xây dựng thêm ba nhà tránh lũ cộng đồng, ngoài ra có thể tận dụng các cơ sở giáo dục làm nơi trú ẩn tạm thời khi cấp bách. Trong cái khó ló cái khôn, nay vùng “rốn lũ” không còn canh cánh nỗi lo thiên tai nữa rồi.
Nguồn: nongnghiep.vn