Ngành xi măng Việt Nam đã trải qua nhiều biến động trong thời gian qua, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2024 khi tổng sản lượng tiêu thụ clinker và xi măng đạt khoảng 44 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm ngoái.
Trong bối cảnh nhu cầu xây dựng dân dụng giảm sút, cùng với chi phí sản xuất ngày càng tăng cao, nhiều doanh nghiệp trong ngành đang kỳ vọng vào sức bật mới nhờ những chính sách kịp thời của Chính phủ.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mới đâu đac ký ban hành Chỉ thị 28/CT-TTg, đề ra một loạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng nói chung.
Theo Chỉ thị 28, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành cần hoàn thiện thể chế và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, việc đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, và phát triển các công trình an ninh, quốc phòng là một trong những trọng tâm nhằm tạo đầu ra cho ngành xi măng.
Đáng chú ý, dự án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội và việc ưu tiên phát triển hệ thống giao thông nông thôn bằng bê tông xi măng là các yếu tố giúp gia tăng nhu cầu tiêu thụ trong tương lai gần.
Với những động thái từ phía Chính phủ, VICEM, doanh nghiệp xi măng lớn nhất Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, tiếp tục khẳng định vị thế của mình.
Không chỉ tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến công nghệ sản xuất xi măng xanh, VICEM còn mở rộng chiến lược xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào thị trường trong nước. Tuy nhiên, thách thức đối với việc xuất khẩu xi măng và clinker của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay nằm ở chính sách thuế xuất khẩu.
Từ năm 2023, khi thuế xuất khẩu clinker tăng lên 10% và không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng, giá clinker của Việt Nam đã mất lợi thế cạnh tranh, giảm 20% so với các đối thủ quốc tế. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xuất khẩu.
VICEM, với tư cách là “đầu tàu” của ngành, cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của chính sách thuế này. Do đó, các doanh nghiệp trong ngành xi măng, đặc biệt là VICEM, đang rất kỳ vọng vào việc Bộ Tài chính sẽ xem xét điều chỉnh lại chính sách thuế, giúp khôi phục lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm xuất khẩu.
Nếu chính sách này được điều chỉnh, không chỉ VICEM mà toàn ngành xi măng Việt Nam sẽ có cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ hơn trên thị trường quốc tế.
PGS. TS. Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) nhấn mạnh: “Mấu chốt là tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng và xây dựng cơ bản để đẩy sản lượng xi măng tiêu thụ tăng lên, doanh nghiệp sản xuất mới có đầu ra.”
Đây là một nhận định vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh mà các dự án đầu tư công, từ hạ tầng giao thông đến xây dựng dân dụng, đang dần phục hồi trở lại.
VICEM đã nhanh chóng triển khai các kế hoạch sản xuất mới nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xi măng tăng cao từ những dự án công trình trọng điểm của quốc gia. Đáng chú ý, tập đoàn đã tập trung đầu tư vào các công nghệ sản xuất xi măng xanh, tối ưu hóa quy trình sản xuất để giảm thiểu tác động đến môi trường, phù hợp với xu thế phát triển bền vững mà Chính phủ đang khuyến khích.
Với vị thế là doanh nghiệp đầu ngành, VICEM không chỉ đóng góp vào sự phục hồi của thị trường xi măng nội địa mà còn có tiềm năng lớn trên trường quốc tế.
Trong chiến lược phát triển dài hạn, VICEM đặt mục tiêu mở rộng thị phần xuất khẩu, không chỉ tập trung vào khu vực Đông Nam Á mà còn vươn tới các thị trường tiềm năng khác như Trung Đông và châu Phi. Đây đều là những khu vực có nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng lớn, mở ra cơ hội xuất khẩu xi măng Việt Nam trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp khó tại thị trường nội địa.
Cùng với các giải pháp của Chính phủ và sự đổi mới chiến lược của doanh nghiệp, ngành xi măng Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn. Những tháng cuối năm 2024 hứa hẹn sẽ mang lại sự sôi động trở lại cho thị trường, đặc biệt là khi các dự án đầu tư công được triển khai mạnh mẽ.
Nguồn: nongnghiep.vn