Việc nhiều, lương thấp
Trong chuyến công tác về phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn, Bình Định) tìm hiểu tình hình chăn nuôi bò, chúng tôi gặp chị Lâm Thị Hạnh, nhân viên thú y phường, cùng một thú y tư nhân đi tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục cho đàn bò trên địa bàn.
Nhìn thân hình nhỏ nhắn, yếu đuối của người phụ nữ nông thôn đang độ tuổi trung niên, nghĩ đến lúc cô ấy đối mặt với sự hung dữ của những con bò khi tiêm vacxin, chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Theo chị Hạnh, Nhơn Hòa là địa phương có phong trào chăn nuôi mạnh ở thị xã An Nhơn. Hiện, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn phường Nhơn Hòa có khoảng gần 200.000 con, trong đó, đàn bò khoảng trên 3.000 con, đàn heo gần 2.600 con và đàn gia cầm gần 160.000 con.
Trên địa bàn phường Nhơn Hòa có 9 khu vực. Trước đây, mỗi khu vực được bố trí một thú y cơ sở. Thú y cơ sở đảm nhiệm công tác kiểm tra tình hình chăn nuôi trên địa bàn, tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi khi đến đợt tiêm phòng tập trung. Nếu có dịch bệnh xảy ra, thú y cơ sở có trách nhiệm kiểm tra tình hình dịch bệnh ban đầu để báo lên lên thú y cấp xã.
Thời ấy, thú y cấp xã chỉ mỗi việc hỗ trợ thú y cơ sở khi tiêm phòng tập trung, lúc có dịch bệnh xảy ra và báo cáo lên thú y cấp trên tình hình chăn nuôi và dịch bệnh trên địa bàn. Thế nhưng, sau khi hệ thống thú y thôn không còn tồn tại, bao nhiêu việc do thú y thôn đảm nhiệm trước đây giờ trút hết lên vai thú y cấp xã.
Theo chia sẻ của chị Hạnh, hiện công việc của chị hàng năm là tiêm phòng 2 đợt vacxin lở mồm long móng cho trâu bò, còn tiêm phòng vacxin cúm gia cầm thực hiện quanh năm. Từ đầu năm 2024, tỉnh hỗ trợ 100% chi phí vacxin viêm da nổi cục, nếu hộ nào đăng ký tiêm, chị gom đủ số lượng là chở đồ nghề đi tiêm.
“Công việc của tôi bây giờ không có thời gian nghỉ. Trong những đợt tiêm phòng tập trung, một mình tôi tiêm phòng cho hơn 3.000 con bò trong vòng 1 tháng làm sao kham nổi, nên tôi phải “cầu cứu” thú y tư nhân hỗ trợ.
Những đợt tiêm phòng tập trung, UBND phường Nhơn Hòa hỗ trợ tiền công bao nhiêu tôi trả hết cho thú y tư nhân, mình làm không công cũng được, miễn sao gia súc của bà con được tiêm phòng đầy đủ là tôi an tâm. Đó là chưa kể nếu đàn vật nuôi trên địa bàn xảy ra dịch bệnh, hộ chăn nuôi kêu lúc nào tôi cũng phải có mặt lúc đó để xử lý, ngăn chặn lây lan dịch bệnh”, chị Hạnh chia sẻ.
Anh Nguyễn Đức Lập, trước đây là thú y khu vực Long Quang (phường Nhơn Hòa), giờ về hành nghề thú y tư nhân, người thường xuyên hỗ trợ chị Hạnh trong những đợt tiêm phòng tập trung cho hay: “Đến đợt tiêm phòng tập trung, chị Hạnh nhờ tôi hỗ trợ, tôi được trả tiền công tiêm phòng 200.000đ/ngày. Khoản tiền này chẳng đáng bao nhiêu so với làm tư ở nhà, nhưng tôi luôn sẵn lòng vì tình đồng nghiệp trước đây”.
Công việc chồng chất là vậy, thế nhưng hiện chế độ chị Hạnh được nhận chỉ với hệ số 1,3 so với mức lương cơ bản. Tính ra, số tiền thực nhận của chị Hạnh cũng như 15 thú y xã, phường trên địa bàn thị xã An Nhơn chỉ hơn 2,6 triệu đồng/tháng, ngoài ra chẳng còn chế độ gì khác, chẳng bõ bèn gì so với công sức, thời gian bỏ ra.
Vợ chồng chị Hạnh có 2 đứa con, đứa lớn đang học đại học năm 3, đứa nhỏ học lớp 11, chồng làm công nhân nhà máy chế biến gỗ công việc lúc có lúc không. Với khoản thu nhập bèo bọt kể trên, chị Hạnh phải làm thêm tại Nhà máy giết mổ động vật tập trung An Nhơn mới có tiền lo cho 2 đứa con ăn học và sinh hoạt trong gia đình.
Xuyên đêm với cơ sở giết mổ tập trung
Theo anh Huỳnh Văn Thạnh, chuyên viên thú y Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn, hiện đơn vị này đang hợp đồng với 8 thú y xã và thú y thôn, kể cả thú y tư nhân trước đây đã được tập huấn để làm việc tại Nhà máy giết mổ động vật tập trung An Nhơn. Trong đó, có 4 thú y các xã, phường Nhơn An, Nhơn Hòa, Nhơn Phong, Nhơn Hưng và 4 thú y cấp thôn của các xã, phường Nhơn Hưng, Nhơn Hạnh và Nhơn Thành.
“Những nhân viên thú y làm tại Nhà máy giết mổ động vật tập trung An Nhơn được nhận mức lương 6 triệu đồng/người/tháng. Nhưng điều kiện có công việc làm thêm như 8 nhân viên thú y kể trên không phải ai cũng có. Trên địa bàn thị xã An Nhơn hiện có đến hơn 10 thú y cấp xã và hàng trăm nhân viên thú y thôn giờ không có việc gì làm thêm, một số thú y xã đang hành nghề thú y tư nhân, thú y thôn làm phụ thợ hồ và nghề “đụng gì làm nấy”.
Đối với 8 nhân viên thú y làm việc tại Nhà máy giết mổ động vật tập trung An Nhơn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn phân công thay phiên nhau làm các công tác kiểm tra thú sống và kiểm soát giết mổ”, anh Huỳnh Văn Thạnh chia sẻ.
Theo chị Lâm Thị Hạnh, cán bộ thú y phường Nhơn Hòa, công việc làm thêm của chị tại cơ sở giết mổ động vật tập trung có lúc làm nhiệm vụ kiểm tra thú sống vào ban ngày, có khi kiểm soát giết mổ vào ban đêm. Trực kiểm tra thú sống, nếu trực ca sáng chị bắt đầu làm việc từ 7 giờ sáng đến 2 giờ chiều, nếu trực ca chiều thì làm việc từ 2 giờ chiều đến 9 giờ tối.
Kiểm tra thú sống là đứng ngay cổng cơ sở đón gia súc, gia cầm được người đăng ký giết mổ chở đến để kiểm tra nguồn gốc, tình trạng sức khỏe gia súc, gia cầm đưa vào nhà máy. Nếu phát hiện heo nghi ngờ dính bệnh sẽ được đưa sang khu cách ly để giám sát.
“Nếu trực kiểm soát giết mổ, hằng đêm, cứ 1 giờ sáng là tôi đã phải có mặt tại cơ sở giết mổ để vào việc đến 4 giờ sáng là nghỉ. Gia súc đã giết mổ được nhân viên thú y kiểm tra thân thịt lại 1 lần nữa, để xem thịt heo có dấu hiệu bệnh tích gì hay không, nếu an toàn thì đóng dấu kiểm soát giết mổ trước khi sản phẩm đưa ra thị trường.
Trường hợp thân thịt con heo ấy có dấu hiệu bất thường thì sẽ được giữ lại để kiểm tra tiếp, nếu có dấu hiệu bệnh phức tạp thì theo quy định, bắt buộc chủ con heo ấy phải luộc thịt trước khi xuất khỏi nhà máy”, chị Hạnh cho hay.
Những nhân viên thú y xã, phường có việc làm thêm tại cơ sở giết mổ tập trung kể như phải làm việc cả ngày lẫn đêm. Nếu đến đợt tiêm phòng tập trung, ban ngày thì đảm nhiệm công tác tiêm phòng tại địa phương, ban đêm làm việc tại cơ sở giết mổ tập trung, mỗi ngày chẳng ngủ nghỉ gì được bao nhiêu.
Những thú y thôn giờ thất nghiệp đang hành nghề tư nhân hoặc đi phụ thợ hồ ban ngày, đêm đến về cơ sở giết mổ tập trung làm thêm để kiếm thêm thu nhập, cơ cực trăm bề!
“Đến đợt tiêm phòng tập trung, chúng tôi ưu tiên cho nhân viên thú y những xã, phường đang làm việc tại cơ sở giết mổ tập trung có lịch tiêm phòng trước đảm nhiệm việc kiểm soát giết mổ vào ban đêm, để ban ngày họ thực hiện nhiệm vụ tiêm phòng, việc nước việc nhà vẹn toàn”, anh Huỳnh Văn Thạnh, chuyên viên thú y của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn cho hay.
Nguồn: nongnghiep.vn