
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra tình hình lũ lụt tại Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.
Sáng 10/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến và đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã có buổi làm việc, kiểm tra tình hình lũ lụt diễn ra trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang do ảnh hưởng của bão số 3.
Mưa lớn kéo dài từ ngày 8/10 đến nay trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã khiến tỉnh này thiệt hại nặng nề. Đến trưa ngày 10/9, mực nước trên sông Lô đã đạt ngưỡng hơn 27m, dự báo có thể đạt ngưỡng 28m.
Nước sông Lô dâng cao kết hợp mưa lớn kèm gió lốc kéo dài trong nhiều ngày khiến 1 người dân ở thị trấn Na Hang, huyện Na Hang tử vong; 2 người dân tại xã Bạch Xa, huyện Hàm Yên mất tích do nước lũ cuốn trôi. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang bị ngập sâu trong nước, trong đó thành phố Tuyên Quang và các huyện Na Hang, Sơn Dương, Chiêm Hóa ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo thống kê sơ bộ, đã có 844 ngôi nhà của người dân bị sập đổ, tốc mái, ngập úng, hư hỏng. 2.111 hộ gia đình phải di chuyển khẩn cấp đến nơi ở mới an toàn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và các đại biểu kiểm tra tình hình an toàn công trình hồ thủy lợi Ngòi Là, huyện Yên Sơn. Ảnh: Đào Thanh.
Gần 2.400ha lúa đang giai đoạn trổ bông, nở hoa và vào chắc bị ngập úng thiệt hại; gần 700ha ngô, rau màu bị ngập úng trong nhiều giờ đồng hồ; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học, điện… bị ngập úng hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại do mưa lũ tại Tuyên Quang ước khoảng 100 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Công Hàm – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, đợt mưa lũ lần này có sức ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Nhiều địa phương, nhất là thị trấn Na Hang cao hơn gần 6m so với mực nước ở mức báo động 3 vẫn xảy ra ngập lụt. Một số khu vực của thị trấn mực nước lũ ngập sâu đến 3m.

Mưa lớn khiến thành phố Tuyên Quang và các huyện Sơn Dương, Na Hang, Chiêm Hóa ngập úng trong nhiều giờ đồng hồ. Ảnh: Đào Thanh.
Hiện nay tại nhiều địa phương, ngập úng vẫn diễn ra, các công trình công cộng còn nằm sâu dưới nước nên chưa thể đánh giá hết thiệt hại. Tuy nhiên, chắc chắn mức thiệt hại sẽ rất lớn. Do đó tỉnh Tuyên Quang mong muốn Bộ NN-PTNT và các bộ ngành liên quan bố trí ngân sách hỗ trợ giúp đỡ tỉnh Tuyên Quang khắc phục hậu quả do thiên tai, giúp địa phương sớm ổn định lại tình hình kinh tế – xã hội sau khi bão lũ đi qua.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trước mắt các địa phương cần rà soát những vùng thiếu gạo để ứng cứu kịp thời, không để người dân thiếu đói. Sau mưa lũ, vấn đề cây, con giống là hết sức cấp thiết nhằm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống của bà con. Cùng với đó, nguồn hóa chất để tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường nước, đồng ruộng, chuồng trại… cũng quan trọng không kém. Địa phương cần có kiến nghị, đề xuất cụ thể, chi tiết để Chính phủ và các bộ ngành liên quan đưa ra giải pháp ứng phó kịp thời.

Đã có 844 nhà dân bị hư hỏng, ngập úng; 2.111 hộ gia đình phải di chuyển khẩn cấp đến nơi ở mới đảm bảo an toàn. Ảnh: Đào Thanh.
Thứ trưởng cũng đề nghị tỉnh Tuyên Quang chú ý đến công tác đảm bảo an toàn hồ thủy lợi, thủy điện, bởi sau mưa lũ, đất no nước rất dễ xảy ra tình trạng sạt lở đe dọa an toàn hồ đập.
Nguồn: nongnghiep.vn