Xu hướng tiêu dùng xanh và tiêu chuẩn môi trường mới
Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2024 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 10/9 tại Hà Nội, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, vai trò quan trọng của nông nghiệp trong việc hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Theo ông Tuấn, để giảm thiểu phát thải khí nhà kính, ngành nông nghiệp cần áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, như sử dụng phân bón sinh học, cơ giới hóa và tự động hóa trong sản xuất, cùng xây dựng mô hình chuỗi cung ứng nông nghiệp xanh.
“Sản xuất nông nghiệp đang đóng góp lớn vào tổng lượng phát thải khí nhà kính và để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần thay đổi từ tư duy truyền thống sang quản lý thông minh, bền vững. Các sáng kiến như phát triển nông nghiệp hữu cơ, sử dụng năng lượng tái tạo và tối ưu hóa quy trình sản xuất sẽ là chìa khóa giúp ngành nông nghiệp vừa giảm thiểu tác động môi trường, vừa tăng trưởng hiệu quả”, ông Tuấn chia sẻ.
Do đó, sự phát triển bền vững không chỉ là yêu cầu đối với doanh nghiệp sản xuất mà còn ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng. Xu hướng tiêu dùng xanh, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường đang dần trở thành chuẩn mực mới, đặc biệt tại các thị trường phát triển như Liên minh châu Âu (EU).
Các quy định môi trường khắt khe như Quy định về chống phá rừng (EUDR) và Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU đã bắt đầu áp dụng thuế carbon và ngăn chặn nhập khẩu các hàng hóa liên quan đến phá rừng hoặc có mức phát thải cao.
Các quy định này thúc đẩy các doanh nghiệp nông nghiệp phải chú trọng hơn đến việc giảm phát thải và minh bạch trong chuỗi cung ứng. Ngoài ra, thị trường tín chỉ carbon cũng đang đối mặt với sự thay đổi lớn. Theo đó, tín chỉ carbon có thời hạn và không có tín chỉ nào vượt quá thời hạn năm 2030, khiến khả năng đầu cơ giảm thiểu.
Giá tín chỉ carbon có xu hướng giảm trên cả thị trường tuân thủ và tự nguyện, do việc giữ quá lâu sẽ mất giá. Các nước phát triển cũng đã đưa ra quy định giảm phát thải là bắt buộc, với yêu cầu các doanh nghiệp phải đảm bảo ít nhất 90% hạn ngạch giảm phát thải trước khi được phép mua tín chỉ để bù đắp lượng thiếu hụt.
Từ đó, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, ngành nông nghiệp Việt Nam cần triển khai hàng loạt các giải pháp thiết thực.
Đó là nâng cao nhận thức và năng lực cho các doanh nghiệp và các chủ thể trong ngành về tầm quan trọng của việc giảm phát thải. Đồng thời, việc kiểm kê khí nhà kính trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp sẽ là bước quan trọng để xây dựng cơ sở dữ liệu về phát thải, đảm bảo đáp ứng các quy định quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp vẫn coi phát triển bền vững là trách nhiệm xã hội
Hiện, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài ngành nông nghiệp đã chủ động chuyển đổi chiến lược kinh doanh theo hướng phát triển bền vững. Những nỗ lực này không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn gia tăng giá trị lâu dài cho doanh nghiệp.
Quản trị bền vững không còn là một lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển lâu dài. Việc kết hợp các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào chiến lược kinh doanh giúp doanh nghiệp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời nâng cao uy tín thương hiệu.
Trong khi đó, những thách thức trong việc chuyển đổi xanh như yêu cầu cắt giảm khí thải carbon và xây dựng chuỗi cung ứng bền vững đòi hỏi các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy và cách tiếp cận để có những hành động thiết thực.
Điển hình như Vinamilk, hiện đã có ba trang trại và nhà máy đầu tiên đạt chứng nhận trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS 2060:2014: Nhà máy sữa Nghệ An, Trang trại bò sữa Nghệ An và Nhà máy nước giải khát Việt Nam. Vinamilk đang triển khai các hoạt động kiểm kê khí nhà kính, năng lượng xanh, cải tiến xanh, sáng kiến xanh và công nghệ xanh.
Ông Hoàng Minh, Giám đốc điều hành – Trưởng Dự án Net Zero, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, với hệ thống 13 nhà máy đạt chuẩn quốc tế, Vinamilk đã áp dụng phần mềm giám sát năng lượng nhằm tối ưu hóa tiêu thụ và giảm tổn thất trong quy trình sản xuất, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Đặc biệt, Vinamilk đã đưa robot tự hành – LGV vào điều khiển toàn bộ quá trình từ tiếp nguyên liệu dùng đến bao gói thành phẩm. Các robot có thể tự thay pin tại các trạm sạc pin tự động. Nhờ có robot đã giúp giảm phát thải 60% so với việc sử dụng xe nâng truyền thống.
Chia sẻ về xu hướng sống xanh, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết: “Hiện, có tới 97% người tiêu dùng mong muốn có một lối sống xanh, nhưng chỉ 17% trong đó thực hiện được và tại Việt Nam tỷ lệ này đang là 2%. Nhưng, đang có tới 29% người tiêu dùng sẵn sàng và đánh giá cao phát triển bền vững, nên trong thời gian tới, tỷ lệ này sẽ không chỉ dừng lại ở 29% mà có thể tăng lên tới 50%.”
Tuye nhiên, hiện đâu đó vẫn còn những doanh nghiệp, cả trong và ngoài nước đang xem phát triển bền vững chỉ như một trách nhiệm xã hội, chứ không phải yếu tố tạo ra giá trị. Điều này dẫn đến hiểu lầm, phát triển bền vững sẽ làm tăng chi phí, gánh nặng cho doanh nghiệp.
Liên quan đến quan điểm này, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam nhấn mạnh, phát triển bền vững và lợi nhuận giống như hai vế của một phương trình cân bằng, doanh nghiệp không thể phát triển bền vững nếu thiếu một trong hai yếu tố này. Do đó, các doanh nghiệp không nên coi đầu tư phát triển bền vững là chi phí và làm giảm lợi nhuận, bởi nếu phát triển bền vững đúng cách, sẽ gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp về lâu dài.
Trong bối cảnh chuyển đổi xanh, các sáng kiến phát triển bền vững đang dần trở thành yếu tố quyết định để thu hút người tiêu dùng và nâng cao vị thế cạnh tranh. Đồng thời, để biến cam kết thành hành động, cần sự vào cuộc hơn nữa của các lãnh đạo cấp cao bảo trợ và định hướng, biến phát triển bền vững thành động lực chính cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Nguồn: nongnghiep.vn