Trung tâm Giống và Hoa kiểng Bến Tre bước đầu đã nuôi cấy mô dừa thành công từ đỉnh sinh trưởng thông qua sự chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của các nhà khoa học Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Kết quả này đánh dấu một bước tiến mới trong hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ tỉnh Bến Tre và mở ra cơ hội cải tiến, nâng cao chất lượng, năng suất cho vùng nguyên liệu dừa.
Các phương pháp chọn tạo giống dừa đã ứng dụng
Đối với cây dừa, hiện nay trên thế giới có nhiều phương pháp nghiên cứu về giống. Thứ nhất, về lai tạo để tạo ra các cá thể con ưu tú thế hệ F1. Thứ hai, bình tuyển từ những cây dừa mẹ có nhiều đặc tính vượt trội để chọn ra những cây con.
Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức, người có nhiều năm gắn bó và nghiên cứu về cây dừa, chia sẻ: Bến Tre có đặc điểm là nguồn gen từ cây dừa rất phong phú, đa dạng chủng loại. Từ những năm 90 của thế kỷ XX, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã khuyến cáo Bến Tre cố gắng tuyển lựa các cá thể tốt từ quần thể dừa địa phương để lai tạo giống nhằm bảo tồn, duy trì và phát triển.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động gay gắt hơn, nhất là hạn mặn, ở hai huyện Thạnh Phú và Bình Đại đã xuất hiện nhiều cá thể dừa thể hiện khả năng thích ứng tốt, năng suất và chất lượng cao. Đó là những cá thể mà ngành dừa rất mong đợi để nhân giống canh tác.
Phương pháp mới: Nuôi cấy mô từ đỉnh sinh trưởng
Ông Huỳnh Quang Đức cho rằng, hiện nay có hai phương pháp nhân giống bằng công nghệ sinh học là nuôi cấy phôi và nuôi cấy mô. Cụ thể, phương pháp nuôi cấy phôi là dùng cái phôi, tức là dùng mầm dừa từ trái dừa khô để lấy ra nuôi cấy phôi. Hạn chế của phương pháp này là việc sử dụng mầm dừa trong nhân giống cũng chỉ có thể cho kết quả tương đối vì bản chất mầm dừa đã được lai tạo từ khi trái dừa hình thành trên cây. Do đó, về nguyên tắc nuôi cấy phôi có thể không bảo đảm giữ được bản chất giống như cây dừa mẹ.
Đối với nuôi cấy mô, đây là phương pháp nghiên cứu mới và sẽ khó hơn gấp nhiều lần nhưng sẽ bảo đảm nhân ra được các ưu điểm vượt trội từ cây dừa mẹ. Người thực hiện có thể lấy từ đỉnh sinh trưởng của cây dừa để nuôi cấy ra. Phương pháp này đòi hỏi sự đầu tư về khoa học công nghệ rất cao. Điều rất đáng tự hào là hiện nay trên thế giới cũng như các quốc gia trồng dừa lân cận Việt Nam thì phương pháp nuôi cây mô nhân giống dừa vẫn còn là đề bài chưa có đáp án.
“Quá trình nghiên cứu nuôi cấy mô dừa rất khó, đòi hỏi quá trình sáng tạo rất cao của đội ngũ cán bộ kỹ thuật và trực tiếp thực hiện. Với sự hướng dẫn nhiệt tình của các nhà khoa học Trường Đại học Quốc tế, kết quả bước đầu nghiên cứu đã tạo được một số cây dừa con từ trong phòng thí nghiệm Trung tâm Giống và Hoa kiểng Bến Tre”, ông Huỳnh Quang Đức phấn khởi bật mí những thông tin còn khiêm tốn ở bước đầu phối hợp nghiên cứu.
Là một trong những cán bộ kỹ thuật trực tiếp tham gia thực hiện, TS Bùi Trường Thọ – Phó Giám đốc Trung tâm Giống và Hoa kiểng Bến Tre chia sẻ, ban đầu đội ngũ thất bại liên tiếp trong mấy mẻ đầu tiên. Nhờ sự nỗ lực, niềm đam mê mãnh liệt trong nghiên cứu đã giúp chúng tôi may mắn thành công ở bước đầu.
Nguồn: nongnghiep.vn