Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới của huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã và đang xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới góp phần thực hiện các tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ông Lưu Văn Tiến, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tam Nông chia sẻ: Tam Nông hiện đã hình thành nhiều tuyến đường hoa, cây xanh “sáng, xanh, sạch, đẹp”. Mỗi tuyến đường hoa có chiều dài từ 500m trở lên được trồng dọc hai bên đường các loại hoa trang, hoa trâm ổi, hoa Hoàng Yến, hoa dừa kem, hoa dừa cạn, hoa Quỳnh Anh, hoa mười giờ… Cặp bên đường có trụ đèn chiếu sáng về đêm, làm tôn thêm vẻ đẹp cho các xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao của huyện.
Còn ông Hồ Quốc An, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tam Nông phấn khởi bày tỏ: Huyện hiện có nhiều mô hình sinh kế đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nổi bật, về cây lúa đã ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất và các giải pháp mới trong canh tác đã giúp nông dân giảm chi phí và góp phần thay đổi thói quen canh tác truyền thống. Hình thành những vùng chuyên canh sản xuất theo hướng hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Điển hình là các mô hình nuôi vịt rọ lấy trứng, nuôi bò kết hợp trùn quế, nuôi heo theo hướng an toàn sinh học, nuôi tôm công nghệ cao, nuôi cá chạch lấu kết hợp cá heo đuôi đỏ, nuôi cá đồng kết hợp trồng sen, nuôi ngọc trai nước ngọt, trồng dừa xiêm lùn lấy trái kết hợp trồng mai nuôi cá, trồng nấm rơm trong nhà, thu gom rác thải nông nghiệp, phun thuốc trên cây ăn trái bằng hệ thống tự động… mang lại giá trị kinh tế cao.
Dự án “Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hiện đại và phát thải thấp” được huyện Tam Nông triển khai thực hiện tại cánh đồng xã Phú Thành A từ năm 2023 đến nay đã đạt hiệu quả thiết thực. Từ 8 hộ canh tác 20 ha vụ đông xuân đến nay mô hình đã có 23 hộ canh tác trên 80ha. Nổi bật là mô hình thực hiện kết hợp trữ cá mùa lũ, với 72 hộ thực hiện 170 ha, thu lợi nhuận trên 217 triệu đồng.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc HTX Quyết Tiến cho biết: HTX cũng liên kết với Công ty Wildbird để phát triển sản phẩm “Gạo Senta” làm nên sản phẩm thiên nhiên của huyện. Mô hình du lịch trải nghiệm mùa nước nổi đang phát triển thêm một số điểm để tận dụng kênh du lịch quảng bá sản phẩm gạo của HTX. Vừa qua, huyện Tam Nông đã công nhận thị trấn Tràm Chim đạt danh hiệu đô thị văn minh và đang xây dựng thị trấn hướng tới là “Hạt ngọc sinh quyển – thành phố nổi của vùng ĐBSCL.
Ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết: Quy mô khu vực lập quy hoạch khoảng 3.805ha, bao gồm toàn bộ ranh giới thị trấn Tràm Chim và một phần diện tích các xã Phú Cường, Tân Công Sính, Phú Thọ. Quy hoạch sử dụng đất xây dựng đô thị trên 2.152ha và đất khác trên 1.652ha. Định hướng phát triển các phân khu chức năng đô thị có 5 phân khu gồm: Khu đô thị quảng bá Ramsar, không gian vùng đệm Ramsar, cụm đô thị, du lịch sinh thái có trách nhiệm, các khu đô thị nông nghiệp và thủy sản hữu cơ, khu đô thị xây dựng sinh thái – nhà ở thể nghiệm, khu đô thị nghiên cứu công nghệ sinh học – cây dược liệu. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Định hướng phát triển phân khu công viên vùng đệm Ramsar.
Bà Nguyễn Hoàng Hoa, nữ doanh nhân ở thị trấn Tràm Chim nói: “Sau hơn 30 năm thành lập và phát triển, đến nay thị trấn Tràm Chim đã khoác lên mình một diện mạo mới rất đáng tự hào. Được thông tin đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng thị trấn Tràm Chim và vùng phụ cận đến năm 2035 trở thành “Hạt ngọc sinh quyển, thành phố nổi của vùng ĐBSCL” tôi càng tự hào và phấn khởi hơn. Là công dân thị trấn, bằng khả năng của mình tôi nguyện sẽ đóng góp tinh thần, vật chất để xây dựng thị trấn Tràm Chim xứng danh là hạt ngọc sinh quyển của vùng ĐBSCL”.
Huyện Tam Nông hiện có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thị trấn Tràm Chim đạt tiêu chí đô thị văn minh. Huyện cũng đạt 9/9 tiêu chí, với 36/36 chỉ tiêu và đã hoàn tất hồ sơ gửi Trung ương thẩm định để công nhận huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2024.
Nguồn: nongnghiep.vn