4 ngày sau bão số 3 và mưa lũ hoành hành, ngày 12/9, ở Tuyên Quang trời đã tạnh ráo, nắng lên cao, nước sông Lô rút xuống nhưng nhiều cánh đồng vẫn chìm sâu trong nước. Một số cánh đồng, mảnh nương nước đã rút đi, để lại đầy bùn đất, sình lầy bám dưới gốc, bám vào thân cây, cành lá, quả khiến nông dân nghẹn ngào chẳng nói lên lời.
Chân đi ủng, người còn lấm lem bùn đất, mắt bà Lê Thị Nga ở thôn Bình Ca 1, xã Tứ Quận (huyện Yên Sơn) không giấu nổi nỗi xót xa chia sẻ: “Ruộng ngô, vườn ổi, vườn bưởi mất trắng rồi. 3 hôm trước nước ngập trắng đồng, không còn nhìn thấy cây. Đến hôm nay nhìn thấy màu xanh thì lá cây và quả bùn đất dính đầy”.
Khi lũ về, cả nhà bà Nga phải vội vã sơ tán tài sản lên núi cao, rồi cùng con cái bồng bế bọn trẻ đi ở nhờ, giữ được tính mạng là trên hết. Hôm nay trở về nhìn cây cối bao năm vun trồng chuẩn bị đến ngày thu hoạch bị thối hết, bà nghẹn lòng khi trận lũ lịch sử khiến 4 sào ngô, 2 sào ổi và 10 sào bưởi đã bị vùi dập, ngập úng.
“Vườn tược còn gì nữa đâu. May vẫn còn người” – anh Vũ Minh Thư ở thôn Bình Ca 1, xã Tứ Quận buồn bã chia sẻ. Mấy ngày lũ về, gia đình anh Thư cùng bà con hàng xóm di chuyển đi ở nhờ những hộ gia đình trên đồi cao nên trong thôn không thiệt hại về người. Nhưng những vườn ngô, cây ăn quả thì gần như mất trắng. Riêng gia đình anh có khoảng 2 mẫu sắn bị ngập úng. Mấy năm trước, trung bình mỗi năm 2 mẫu sắn gia đình anh thu được 20 tấn sắn tươi, nhưng năm nay bị ngập nước 3 ngày, chờ nước rút hết coi như thối hỏng hoàn toàn.
Trong đợt bão lũ lịch sử lần này, xã Phúc Ninh (huyện Yên Sơn) là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất ở tỉnh Tuyên Quang. Đến ngày 12/9, nước lũ đã rút lui, mặc dù con đường vào xã bùn đất dày đến 30cm nhưng từng đoàn xe cứu trợ từ Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội… vẫn tấp nập mang lương thực, thức uống đến hỗ trợ đồng bào vùng lũ còn bị cô lập.
Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh – ông Vũ Thành Trung cho biết, lũ lụt đã khiến 12 thôn ở đây bị cô lập tạm thời. Hôm nay nước đã xuống nhiều, nhưng đường vào các thôn đi lại vẫn khó khăn. Xã có 8 thôn có hoa màu bị mất trắng, gồm hơn 40ha lúa, 20ha ngô; 500ha cây ăn quả gồm bưởi Phúc Trạch, bưởi da xanh… bị ngập chìm trong nước 3 ngày nay, đến hiện tại nắng lên cây ăn quả sẽ bị thối, hỏng.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang, mưa lũ những ngày qua trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã khiến hơn 5.020ha lúa, 1.800ha ngô, cây rau màu, khoảng 1.000ha cây ăn quả bị ngập úng, hư hỏng…
Ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, trước, trong và sau mưa lũ, tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các ngành và địa phương cần ưu tiên tối đa đảm bảo về người, không để tình trạng người dân bị thiếu đói trong những ngày lũ.
Đối với cây trồng, ngay trước lũ, Sở NN-PTNT đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, vận động người dân các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ cây trồng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Với diện tích có thể thu hoạch, chủ động thu hoạch trước bão lũ theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Sau khi cơn lũ đi qua, đối với diện tích lúa bị ngập, cần bồi lấp, điều chỉnh mực nước tiêu thoát phù hợp để cây lúa không bị đổ rạp trên mặt nước, dọn sạch cỏ rác, đất đá trên ruộng và té nước rửa bùn đất bám trên lá; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn nhân dân xử lý đồng ruộng, phun phòng trừ các bệnh thường phát sinh gây hại sau các đợt mưa lớn, ngập úng.
Với diện tích lúa làm đòng đến chín đỏ đuôi, cần phun phòng bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn bằng các loại thuốc đặc hiệu như Sasa 20WP, Avalon 8WP Antixo 200 WP… cho những diện tích cấy giống nhiễm, giống chống chịu yếu với bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn.
Đối với các loại rau màu, chủ động khơi rãnh trên ruộng để nước thoát nhanh, hạn chế nước úng lâu trong ruộng làm thối rễ cây. Đối với những diện tích bị đổ gãy, vùi lấp gây hư hại nặng, không có khả năng phục hồi, khẩn trương thu dọn, vệ sinh đồng ruộng để làm đất trồng gieo trồng lại bằng các giống phù hợp.
Đối với ruộng có khả năng phục hồi, khi đất khô tổ chức xới phá váng để rễ cây được thông thoáng; chăm sóc, bón phân để cây nhanh phục hồi; sử dụng các chế phẩm sinh học như Pennac P, Siêu lân… để phun, tưới cho cây nhanh phục hồi.
Đối với cây ăn quả, khi đất khô ráo cần xới nhẹ phá váng lớp đất mặt giúp đất thông thoáng, khắc phục tổn thương và tái sinh rễ mới. Đối với những vườn cây đang đậu quả non hoặc quả trong giai đoạn phát triển, phun bổ sung phân bón lá có chứa Fe, Bo, Ca, Cu, B, Zn… tránh hiện tượng nứt, rụng quả.
Những cây bị long gốc cần dậm chặt, vun gốc, sau đó tưới thuốc trừ nấm hoặc các chế phẩm sinh học đối kháng nấm hại để phòng trừ nấm hại rễ cây. Khi bộ rễ cây đã phục hồi tiến hành bón phân hữu cơ kết hợp với phân lân, phun phân bón lá để tăng khả năng phục hồi của cây. Khi sử dụng thuốc phải theo nguyên tắc “4 đúng” và bảo đảm thời gian cách ly khi thu hoạch.
Tại xã Phúc Ninh (huyện Yên Sơn), địa phương thiệt hại rất nặng nề do bão lũ, h iện chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa để ổn định cuộc sống. Sau đó sẽ tuyên truyền, vận động người dân sử dụng máy xịt rửa lá và thân cây trồng bị bám bùn đất. Tuy nhiên với diện tích quá lớn, việc triển khai khắc phục, cứu cây trồng sau lũ sẽ rất khó khăn.
Nguồn: nongnghiep.vn