Festival Quốc tế ngành lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023 do Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức từ ngày 11 đến ngày 15/12/2023 tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang gồm một chuỗi các sự kiện, hoạt động phong phú, đặc sắc, ấn tượng và ý nghĩa: Hội nghị, hội thảo, con đường lúa gạo, khu trưng sản phẩm, cuộc thi ẩm thực từ gạo…
Đồng hành cùng tam nông
Nằm trong hệ sinh thái của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), tham gia sự kiện Festival, Công ty Cổ phần Bảo hiểm ngân hàng nông nghiệp (Bảo hiểm Agribank) vinh dự được gắn kết với hệ thống Agribank, trưng bày các ấn phẩm giới thiệu về sản phẩm bảo hiểm tại gian hàng của Agribank với thông điệp “Đồng hành cùng tam nông – Mang giá trị bền vững”.
Nói về thông điệp tại sự kiện, ông Đỗ Minh Hoàng – Thành viên HĐQT Bảo hiểm Agribank cho biết, Bảo hiểm Agribank là công ty con của Agribank trong hệ sinh thái ngân hàng bảo hiểm. Trong chuỗi kinh tế tuần hoàn liên kết cung ứng cấp vốn cho khu vực tam nông, Bảo hiểm Agribank sử dụng kỹ thuật bảo hiểm để phân tán rủi ro, bảo vệ dòng vốn nhà nước, đảm bảo an toàn cho bà con nông dân, khu vực tam nông, yên tâm sản xuất.
Vừa qua, tại Lễ ký kết hợp tác giữa Agribank và Bộ NN-PTNT, Bảo hiểm Agribank đã ký kết chương trình phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn về kế hoạch triển khai Đề án thí điểm Xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 – 2025. Thông qua thỏa thuận hợp tác này, Agribank sẽ giữ vai trò tư vấn, hỗ trợ các đối tượng tham gia đề án thông tin về chính sách tín dụng, quy trình vay vốn và lập dự án, phương án vay khi có nhu cầu.
Nằm trong hệ sinh thái của Agribank, Bảo hiểm Agribank đồng hành bảo vệ rủi ro cho pháp nhân, cá nhân tham gia bằng các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp với chính sách ưu đãi về tỷ lệ phí và phạm vi bảo hiểm. Do đó, Bảo hiểm Agribank có trách nhiệm tiên phong nghiên cứu các sản phẩm bảo hiểm bảo vệ rủi ro thiên tai, đồng thời phát triển các sản phẩm bảo hiểm hiện có để bảo vệ đề án thành công. Ông Đỗ Minh Hoàng chia sẻ.
Theo Agribank, hiện Agribank đang là tổ chức tín dụng hàng đầu trong đầu tư phát triển tam nông và luôn xác định thị trường nông nghiệp, nông thôn là thị trường đầu tư chiến lược. Số vốn Agribank đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn lớn nhất, chiếm khoảng 30% tổng nguồn vốn đầu tư tín dụng nông nghiệp, nông thôn.
Trong những năm qua, Agribank cũng đã tham gia 4 dự án của Bộ NN-PTNT về chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải, quản lý tài nguyên bền vững, phát triển cho vay chuỗi giá trị thông minh… với gần 60 triệu USD (khoảng 1.500 tỷ đồng). Hiện, ngân hàng đang tiếp tục phối hợp với Bộ NN-PTNT thực hiện 4 dự án khác (khoảng 1.200 tỷ đồng).
Cũng theo ông Đỗ Minh Hoàng, năm 2022, Bảo hiểm Agribank đã cung cấp sản phẩm bảo hiểm đến gần 3 triệu khách hàng là cá nhân và tổ chức sử dụng dịch vụ của Agribank. Trong đó, riêng sản phẩm Bảo an tín dụng có gần 2 triệu khách hàng tham gia. Tính đến nay, Bảo hiểm Agribank đã chi trả bồi thường cho 262.162 khách hàng với tổng số tiền tương ứng là 5.217 tỷ đồng. Chỉ riêng năm 2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, số tiền bồi thường chi trả lên đến gần 850 tỷ đồng.
Agribank và Bộ NN-PTNT vừa ký Bản ghi nhớ về cung cấp các sản phẩm dịch vụ của Agribank cho các đối tượng thuộc Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao 800 triệu USD vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, Agribank sẽ tư vấn, hỗ trợ, cung cấp sản phẩm dịch vụ cho các đối tượng tham gia Đề án. Thông báo cho các Chi nhánh Agribank trên địa bàn thuộc phạm vi Đề án thực hiện các nội dung của Biên bản ghi nhớ. Đồng thời nắm bắt nhu cầu, hướng dẫn các doanh nghiệp, cá nhân tham gia Đề án sử dụng các sản phẩm dịch vụ theo quy định của Pháp luật và Agribank.
Cung cấp các sản phẩm dịch vụ của Agribank phù hợp với mục tiêu của Đề án. Bao gồm các sản phẩm, dịch vụ sau: Dịch vụ tiền gửi: Mở tài khoản, dịch vụ tiền gửi, dịch vụ quản lý tài khoản, quản lý vốn tập trung, đầu tư tự động. Dịch vụ tiền vay: Cung cấp các khoản cấp tín dụng phù hợp cho nhu cầu của các tác nhân trong sản xuất và kinh doanh lúa gạo chất lượng cao, giảm phát thải. Dịch vụ tài chính. Dịch vụ thanh toán: Thanh toán trong nước, thanh toán quốc tế. Sản phẩm dịch vụ ngoại hối. Sản phẩm dịch vụ khác: Thấu chi, thẻ tín dụng, bảo hiểm…
Hành động để thông điệp trở thành hiện thực
Với định hướng xuyên suốt thị trường mục tiêu của Bảo hiểm Agribank là lĩnh vực nông nghiệp và khu vực tam nông, trong đó yếu tố cốt lõi làm nên sự phát triển của Bảo hiểm Agribank là kênh phân phối Bancassurance (Ngân hàng – Bảo hiểm) với các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của cả khách hàng và Agribank
Hiện nay, Bảo hiểm Agribank là đơn vị tiên phong triển khai kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm bán lẻ vào khu vực nông nghiệp – nông thôn – nông dân. Đặc biệt Bảo an tín dụng – Bảo hiểm tính mạng và sức khỏe cho người vay vốn với gần 2 triệu khách hàng tham gia, là sản phẩm thành công nhất của Bảo hiểm Agribank qua kênh phân phối Bancassurance với Agribank, gồm 2.300 phòng giao dịch và hơn 30.000 đại lý viên trên toàn quốc.
‘Chúng tôi hiện nay đang cung cấp hơn 100 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ, trong đó đa số là các sản phẩm riêng biệt phục vụ khu vực tam nông dành cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất và cá nhân sử dụng vốn tín dụng do Agribank cấp vốn. Đó là các sản phẩm bảo hiểm sức khoẻ và tính mạng người vay vốn, bảo hiểm tài sản bảo đảm, bảo vệ tài sản hình thành trong tương lai (cây cao su, cây cà phê, vật nuôi,…). Ông Đỗ Minh Hoàng thông tin.
Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu và phát triển các sản phẩm quản lý rủi ro phục vụ đề án phát triển 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn và đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao do Bộ NN&PTNT triển khai. Bảo hiểm Agribank hi vọng với việc ra mắt các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, chúng tôi sẽ phát huy vai trò đơn vị tiên phong bảo vệ rủi ro cho khu vực tam nông, đồng hành cùng Agribank xây dựng nông thôn mới theo định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Ông Hoàng nói.
Theo lãnh đạo Bảo hiểm Agribannk, tính đến 30/11/2023 Bảo hiểm Agribank cơ bản đã hoàn thành một số chỉ tiêu của đề án chiến lược 2021-2025. Cụ thể:
Về bộ máy tổ chức và phát triển mạng lưới, hiện Bảo hiểm Agribank đã có 19 chi nhánh và 1 Ban trù bị thành lập chi nhánh (dự kiến hoạt động chính thức từ 01/01/2024), hoàn thành chỉ tiêu 20 chi nhánh theo đề án chiến lược.
Vốn điều lệ Bảo hiểm Agribank đạt 723 tỷ đồng vào 31/12/2023, hoàn thành lộ trình tăng vốn lên 700 tỷ đồng theo đề án chiến lược. Chi trả cổ tức năm 2023 là 51,34%/năm, hoàn thành chỉ tiêu cổ tức tối thiểu 14%/năm. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu 11 tháng đầu năm 2023 ROE là 16%/năm, đạt chỉ tiêu ROE tối thiểu 15% theo đề án chiến lược.
Bảo hiểm Agribank đang thực hiện sắp xếp bộ máy tại Trụ sở chính để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện lập đề án nâng cấp mô hình lên Tổng Công ty trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bảo hiểm Agribank cũng sẽ thực hiện lên sàn giao dịch chứng khoán vào thời điểm thích hợp trong giai đoạn 2021 – 2025.
Bảo hiểm Agribank cam kết tập trung mọi nguồn lực phát triển các sản phẩm bảo hiểm vào khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn góp phần bảo vệ tối đa cho doanh nghiệp, các hộ sản xuất và cá nhân đồng thời thúc đẩy thực hiện chính sách tín dụng nông nghiệp để thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của TW Đảng và triển khai thành công thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Agribank – Bảo hiểm Agribank.
Nguồn: nongnghiep.vn