Tại buổi gặp, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ và bày tỏ sự ủng hộ của phía Pháp tới Việt Nam sau những thiệt hại mà cơn bão Yagi để lại, đặc biệt với một số tỉnh miền núi phía Bắc đang chịu hậu quả nặng nề.
Đại sứ cho biết, Pháp sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn này. Theo đó, phía bạn mong muốn Bộ NN-PTNT cung cấp thông tin về nhu cầu của địa phương và đối tác trao đổi để triển khai hỗ trợ. Về hình thức, Đại sứ Brochet nói, Pháp có thể hỗ trợ khẩn cấp trước mắt cho các khu vực ảnh hưởng bởi bão vừa qua. Về lâu dài, Pháp có nhiều đơn vị hoạt động khác nhau có thể tham gia giúp Việt Nam bền vững hơn trước thiên tai.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam gửi lời cảm ơn tới Đại sứ Pháp đã có Công Thư ngày 13/9/2024 thông báo về những chia sẻ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đối với sự tàn phá của cơn bão Yagi tại Việt Nam. Việt Nam cảm kích trước sự sẵn sàng hỗ trợ khắc phục hậu quả do cơn bão để lại của Pháp.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam thông tin, Pháp và Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ trong lĩnh vực nông nghiệp nhiều năm qua. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản giữa Việt Nam và Pháp năm 2022 đạt 619 triệu USD, tăng gần 14% so với năm 2021. Việc trao đổi nông sản giữa hai bên tăng 14% so với năm 2021.
Cùng với việc hiệp định EVFTA đã có hiệu lực vào năm 2020, hợp tác thương mại nông sản giữa Việt Nam – Pháp được dự báo ngày càng phát triển mạnh mẽ trong tương lai, phù hợp với tiềm năng to lớn của hai nước.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT phát biểu, Bộ đã xây dựng đề án logistics nông sản theo mô hình chợ đầu mối quốc tế Rungis (Paris, Pháp) – nơi cung cấp hàng nông sản thực phẩm cho toàn bộ thủ đô Paris và vùng phụ cận, với 18 triệu dân.
Với đơn vị tư vấn chợ đầu mối quốc tế Rungis, mô hình đầu tiên Việt Nam sẽ được triển khai tại Hà Nội, sau đó đến Quảng Ninh và Cần Thơ, với sự hỗ trợ của doanh nghiệp. Mô hình chợ Rungis có chức năng dịch vụ tài chính, tổ chức xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu, được cho là phù hợp với Việt Nam. Do đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam mong muốn Pháp hỗ trợ để triển khai và mở rộng mô hình đến các đô thị lớn.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị Pháp hỗ trợ trong ngành muối. Hiện tại, Việt Nam có khoảng 11.000ha muối với sản lượng 11 triệu tấn. Tuy nhiên, giá muối bán ở Việt Nam còn thấp, chưa xứng với giá trị, diêm dân còn nghèo, khó khăn. Do vậy, Bộ NN-PTNT mong muốn Pháp chia sẻ về mô hình, mời chuyên gia, chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm giúp Việt Nam nâng cao giá trị hạt muối, đồng thời tăng thu nhập cho diêm dân.
Nhằm thúc đẩy quan hệ nông nghiệp, ngày 20/12/2023, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã cùng với Đại sứ Pháp ký kết Thỏa thuận hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Pháp. Theo đó, Tổ công tác nông nghiệp giữa hai bên sẽ được họp lần thứ nhất vào tháng 12 năm nay. Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các nội dung trên sẽ được đưa vào chương trình thảo luận của Tổ công tác.
Hiện nay, đã qua giai đoạn cứu trợ khẩn cấp, Việt Nam đang tập trung giúp người dân ổn định cuộc sống và an tâm sản xuất. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh ngành nông nghiệp xác định nhiệm vụ cấp bách hiện nay là khôi phục sản xuất và ổn định dân cư tại các tỉnh vùng núi phía Bắc.
Vì vậy, Bộ mong muốn Pháp hỗ trợ người dân ở các vùng bị ảnh hưởng sớm khôi phục nhà cửa, sản xuất nông nghiệp, đảm bảo y tế và giáo dục. Bên cạnh đó, hỗ trợ về hệ thống quan trắc để cảnh báo thiên tai tại khu vực này, từ đó giảm thiểu thiệt hại do sạt lở, lũ quét… gây ra.
* Cũng trong khuôn khổ buổi gặp, ông Florian Delmas, Giám đốc điều hành Tập đoàn Andros, cho biết, Andros Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực trái cây, được thành lập vào năm 2016. Với ba khu công nghiệp, hai nhà máy chế biến và một nhà kho lạnh tại Việt Nam, Andros đang triển khai mô hình giúp nông dân địa phương (chủ yếu tập trung ở vùng ĐBSCL) tổ chức sản xuất thông qua cách thiết lập các vườn trồng kiểu mẫu với phương pháp trồng trọt và canh tác bền vững. Hiện Andros đang gặp khó khăn trong quản lý nguồn cung cầu, quản lý vùng trồng… tại Việt Nam.
Chia sẻ với khó khăn của Andros, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định, các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các địa phương, giải quyết các nút thắt và là cầu nối hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ, đặc biệt trong điều tiết sản xuất rải vụ, nghịch vụ, giúp kéo dài và giảm áp lực sản lượng trái cây tập trung chính vụ; kết nối tiêu thụ; bảo đảm sự ổn định cho trái cây Việt Nam khi xuất khẩu. Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Tập đoàn phối hợp tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các liên kết ngang (hợp tác xã, nông hộ…) và thực hiện tốt khâu liên kết dọc (sản xuất, kinh doanh, chế biến, xuất khẩu,…).
Nguồn: nongnghiep.vn