Tìm con đường sáng cho dân làng
Dù từng lên rừng, xuống biển hay đi nhiều vùng đồng bằng, được nếm thử các loại mật ong khác nhau nhưng hiếm có loại nào vị ngọt thanh mát, hương thơm dịu dàng như thế. Bởi vậy tôi nghĩ trong đầu rằng, nhất định phải có dịp về Hải Phòng để tìm hiểu về nó.
Mãi 3 năm sau tôi mới có cơ hội được gặp anh Đặng Thanh Tùng – Giám đốc HTX Sản xuất Mật ong Tùng Hằng (xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng). Đón chén mật ong sánh vàng từ tay anh, tôi nhấp thử. Vẫn một vị ngọt thanh mát, hương thơm dịu dàng, đánh thức cả vị giác lẫn khứu giác.
“Tại sao nhiều nơi có mật ong rừng ngập mặn nhưng mật ong ở xã Đại Hợp lại có mùi, vị đặc biệt đến như thế?”, tôi tò mò hỏi. Anh Tùng cười rồi giải thích, có mấy lý do: Thứ nhất là rừng ngập mặn có 3 loại hoa chính gồm sú, bần và vẹt, trong đó chất lượng mật hoa bần cao nhất, trữ lượng nhiều nhất, thời gian kéo dài từ tháng 3 tới tháng 6 và từ tháng 8 tới tháng 12; hoa sú chất lượng mật khá, thời gian từ tháng 2 tới tháng 4; hoa vẹt chất lượng mật kém nhất, thời gian từ tháng 5 tới tháng 6. Tùy vào tỷ lệ của cây chiếm ưu thế trong rừng ngập mặn, sẽ cho ra những loại mật ong chất lượng khác nhau. May mắn là rừng ngập mặn ở Đại Hợp cây bần chiếm khoảng 70 – 80%, có những cây cổ thụ cao tới hơn 10m.
Thứ hai là trong khi đa số các nơi mật ong sau quay vẫn để nguyên, không hạ thủy phần (rút bớt nước đi) nên nhanh bị biến chất thì HTX Sản xuất Mật ong Tùng Hằng có công nghệ hạ thủy phần xuống dưới 21% theo chuẩn của thế giới. Điều cuối cùng nhưng rất quan trọng là HTX sử dụng giống ong nội chứ không phải ong Ý, nó giống như gà ta với gà công nghiệp vậy, chất lượng khác hẳn nhau dù năng suất thua thiệt hơn.
Hôm đó trời lúc mưa lúc tạnh nên tôi mới có cơ hội được cùng anh Tùng lang thang khắp cánh rừng ngập mặn Đại Hợp chứ thường ngày ít khi nào anh tiếp ai quá 1 giờ vì quá bận. Gió biển mặn mòi. Sóng biển đỏ phù sa nhưng khi xô vào đến bờ bỗng trở nên hiền hòa bởi đã có rừng ngập mặn che chở. Ong mật có kẻ thù là ong bắp cày, ong bò vẽ, chuồn chuồn, thạch sùng, cóc… Với các loại ong ăn thịt, anh Tùng dùng lưới để ngăn, còn với chuồn chuồn, cóc, thạch sùng thì anh bắt thủ công.
Hồi đi bộ đội, đóng quân ở Quảng Ninh, Lạng Sơn anh thường vào rừng kiếm rau, bắt ong về nuôi để lấy mật. Lúc ra quân về quê làm nghề đi biển rồi làm trưởng ban kiểm soát của HTX Nông nghiệp Đại Hợp những tưởng như nghề nuôi ong lấy mật ấy đã rơi vào quên lãng.
Năm 1997 Nhật Bản tài trợ cho Hải Phòng một dự án trồng rừng ngập mặn giảm thiểu rủi ro thảm họa ven cửa sông Văn Úc kéo dài từ xã Đại Hợp của huyện Kiến Thụy đến phường Bàng La của thị xã Đồ Sơn với tổng diện tích khoảng 650ha. Tới năm 2000 rừng bắt đầu có hoa, các hộ nuôi ong của Hải Dương liền mang đàn đến.
Anh Tùng quan sát và thấy nghề nuôi ong mật chính là sinh kế mới cho người dân quê mình nên mua 2 thùng về nuôi với giá 600.000đ, mặc kệ nhiều người bảo là dại khi với số tiền ấy có thể mua mật ong về ăn trong cả chục năm. Sở dĩ anh chọn ong nội chứ không phải là ong Ý bởi dễ nuôi, ít cần di chuyển, chất lượng mật tốt dù năng suất chỉ bằng cỡ 1/3 – 1/4 nhưng giá bán lại gấp đôi, gấp ba. Từ 2 đàn ong mua đầu năm, cuối năm anh đã có 7 đàn, thu được 30 lít mật, bán với giá 50.000đ/lít.
Thấy được con đường sáng trước mắt, anh tuyên truyền về nghề nuôi ong cho nhiều người dân trong xã, nhất là những người sức khỏe yếu, hết tuổi lao động. Lúc đầu chỉ có 3 hộ là anh Nguyễn Minh Trá, Nguyễn Văn Thông và Bùi Văn Dục, về sau thì nhiều người học theo, thậm chí cả cựu Bí thư xã Đại Hợp – ông Vũ Văn Hằng cũng nuôi ong.
2 sáng kiến độc đáo
Năm 2016 anh Tùng bỏ nghề đi biển, dẹp nghề dịch vụ cơ giới dù lúc đó đang đem lại cho mình thu
Mật ong rừng ngập mặn Đại Hợp được nhiều người tiêu dùng yêu thích vì là sản phẩm hữu cơ 100% bởi chẳng ai ra đấy mà phun thuốc bảo vệ thực vật bao giờ.
nhập cỡ 200 triệu đồng/năm để chuyên tâm với nghề nuôi ong. Thời điểm ấy TP Hải Phòng tổ chức hội thi nhà nông sáng tạo kỹ thuật lần thứ nhất, huyện Kiến Thụy tiến cử anh tham gia và đoạt giải ba bởi 2 sáng kiến.
Thứ nhất là cải tiến bánh tổ ong với diện tích lớn hơn 10%, khung xà cầu rộng thêm 10% để tăng thể tích chứa mật của 1 bánh tổ từ 0,3 – 0,4 lít, giúp tăng năng suất đàn.
Thứ hai là kỹ thuật thay chúa kế vương. Thông thường mỗi đàn ong chỉ có 1 chúa, khi nó đẻ khoảng 1 năm năng suất kém sẽ phải thay bằng cách giết đi hoặc nhốt lại rồi thả mũ chúa vào tổ, đợi đến ngày ấu trùng lớn trở thành chúa mới. Cách của anh Tùng là vẫn giữ chúa già, đồng thời thả chúa non vào tổ, chừng 15 ngày sau chúa non đẻ, đàn ong sinh sôi thêm thì ong thợ sẽ tự loại bỏ chúa già.
Trung bình 1 ngày 1 đêm ong chúa đẻ khoảng 600 – 900 trứng, ong thợ sống được 65 ngày. Nếu làm theo cách thay chúa thông thường là giết chúa già thì tổ ong trong 15 ngày sẽ không có trứng, đứt gãy quá trình cung cấp ong thợ non thay thế ong thợ già, đàn mất ½ quân số, giảm sản lượng mật, tới 60 ngày mới phục hồi được.
Phương pháp thay chúa kế vương của anh Tùng hay ở chỗ chúa già vẫn đẻ 300 – 400 trứng/ngày, chúa non đẻ 300 – 400 trứng/ngày, tức tương đương với sản lượng trứng của một con chúa trưởng thành thời kỳ đỉnh cao, nhờ đó vẫn duy trì được số lượng đàn ong thợ, sản lượng mật như cũ. Để có được sáng kiến này, anh phải quan sát trên 10 năm nuôi ong và phát hiện ra khoảng vài phần ngàn tổ có hiện tượng chúa kế vương một cách hoàn toàn tự nhiên.
Thông thường khi đến mùa sinh sản hay thay chúa, chúa già sẽ dẫn ½ quân đi làm tổ mới, nhường tổ cũ cho chúa non sắp nở. Gặp trường hợp chúa già bị gãy cánh hay què chân không di chuyển được thì sẽ tồn tại cùng với chúa non trong thời gian không quá 30 ngày rồi bị ong thợ loại bỏ.
Thầy dạy nghề của anh Tùng vốn trước đây làm trong một công ty nuôi ong mật nhưng cũng chưa thực hiện được kỹ thuật thay chúa kế vương này vì khó, mà chỉ làm theo cách truyền thống, thuận tiện nhất là bắt chúa già giết đi.
Nếu như trước đây ong chúa được sinh ra một cách tự nhiên nên năng suất đàn cao, đàn thấp thì giờ anh chọn đàn đẹp, chịu khó kiếm ăn, năng suất mật cao, lấy ấu trùng 1 ngày tuổi chủ động tạo ong chúa bằng mũ chúa để ong thợ tiết sữa chúa ra nuôi ấu trùng. Nhờ có phương pháp thay chúa kế vương độc đáo này mà đàn ong mật của anh phát triển không ngừng, cho năng suất cao.
Tuy nhiên đến lúc này anh lại gặp phải vấn đề đau đầu là chất lượng mật không đều. Nếu thu từ tháng 10 tới tháng 12 thì mật ong thủy phần có thể đạt dưới 23%, còn các tháng khác từ 26 – 28%, nếu mưa nhiều sẽ trên 30%. Với mật ong loãng như vậy, lúc đầu ăn có thể thơm ngon, sánh đẹp nhưng để một thời gian thì lên men, nổi bọt, xỉn màu, có vị hơi chua…
Nguồn: nongnghiep.vn