Mô hình nuôi gà Ai Cập lấy trứng được triển khai tại hộ ông Lê Trường Sơn (ấp Ba Xưa, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, An Giang). Qua đánh giá kết quả của Phòng NN-PTNT huyện Châu Phú, trang trại có tổng diện tích 8.000m2, được bố trí khu vực đẻ trứng thương phẩm diện tích 1.000m2, với 2 trại. Mỗi trại được bố trí 2 dãy chuồng, mỗi chuồng có 3 tầng, mỗi tầng khoảng 400 con, với tổng số lượng nuôi 2.200 con.
Chuồng gà được xây dựng trên mặt ao cá, tận dụng phân thải của gà để làm thức ăn cho cá, đồng thời tạo môi trường thoáng mát trong khu vực nuôi. Trong chuồng còn trang bị quạt và đèn chiếu sáng, đảm bảo thoáng mát vào những ngày nóng và giữ ấm cho những tháng lạnh.
Đối với khu vực gà đẻ trứng nhân giống có diện tích là 400m2, được xây dựng chuồng hở có mái che, bố trí máng ăn, máng uống, ổ đẻ và khu vực cho gà vận động phối giống.
Ông Sơn áp dụng phương pháp chăn nuôi trên đệm lót sinh học, sử dụng trấu kết hợp chế phẩm sinh học EM. Toàn bộ phân gà thải ra được vi khuẩn phân giải, giảm công lao động vệ sinh chuồng trại và mùi hôi, đồng thời giúp gà khỏe mạnh, lớn nhanh. Với phần đệm lót sau khi sử dụng, được dùng để bón cho vườn cây ăn trái của gia đình, tiết kiệm chi phí phân bón.
Nhờ phương pháp chăn nuôi khoa học, đàn gà Ai Cập của gia đình ông Lê Trường Sơn phát triển tốt, cho sản lượng trứng cao, chất lượng đảm bảo. “Giống gà này nuôi khoảng 4 tháng có thể đẻ trứng. Từ tháng thứ 5 sẽ bước vào giai đoạn đẻ nhiều, hầu như ngày nào cũng có trứng để thu hoạch, cho thu nhập cao và nhanh thu hồi vốn”, ông Sơn chia sẻ.
Ngoài ra, trang trại còn bố trí khu ấp trứng, khu nhà kho, khu xử lý chất thải và lắp đặt máy ấp trứng tự động. Với sản lượng trứng thương phẩm trên 400.000 trứng, bán với giá 2.600 đồng/trứng, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Trứng gà Ai Cập có màu trắng hồng nhạt, trọng lượng trung bình khoảng 42 – 44gam. Vỏ trứng dày, dễ vận chuyển đi xa. Trứng rất ngon, mặc dù nhỏ nhưng có tỷ lệ lòng đỏ cao, chiếm khoảng 34% nên rất nhiều chất dinh dưỡng.
Ông Lê Trường Sơn đã có nhiều kiến thức, kinh nghiệm và tham gia ký cam kết duy trì thực hiện mô hình trong 5 năm. Sau khi mô hình kết thúc chia sẻ kinh nghiệm cho những người chung quanh để thực hiện nhân rộng. Theo đó, mô hình đã áp dụng các tiến bộ của khoa học, kỹ thuật vào trang trại góp phần nâng cao chất lượng, giá trị, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo ông Huỳnh Văn Tính, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Phú, quá trình chăn nuôi giống gà Ai Cập chuyên phục vụ lấy trứng đã góp phần cho địa phương có nguồn đa dạng sản phẩm tiêu thụ trứng gia cầm sạch.
Đây được xem là mô hình tiềm năng để bà con chăn nuôi ở địa phương có hướng phát triển kinh tế nâng cao thu nhập. Giống gà Ai Cập được nuôi theo hướng chuyên lấy trứng, chịu được nóng nên rất thích hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam.
“Tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ từ chính quyền và các tổ chức, mô hình chăn nuôi nuôi gà Ai Cập theo hướng an toàn sinh học, tiếp tục sẽ mở ra hướng mới, giúp nhiều hộ gia đình mạnh dạn chuyển đổi mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay”, ông Huỳnh Văn Tính kỳ vọng.
Gà Ai Cập siêu trứng có nguồn gốc từ thành phố Fayoumi, Ai Cập, được chăn nuôi theo hướng chuyên lấy trứng, có sản lượng cao, còn được biết đến với tên gọi khác là giống gà siêu trứng, rất thích hợp với môi trường Việt Nam.
Nguồn: nongnghiep.vn