Qua tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân do một nửa diện tích đất trồng mía tại huyện Trà Cú đã bị chuyển đổi sang các cây trồng khác và nuôi trồng thủy sản do giá mía thấp và đầu ra không ổn định trong nhiều năm qua.
Trong 3 năm gần đây, giá mía đã ổn định hơn và công ty mía đường đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân khôi phục vùng mía nguyên liệu. Nhờ đó, diện tích trồng mía tăng dần mỗi năm với 80% tập trung tại huyện Trà Cú.
Công ty đã đầu tư hơn 15 tỷ đồng trong vụ mía 2024 – 2025 để hỗ trợ nông dân mua giống, phân bón và trang trải chi phí nhân công với hạn trả khi thu hoạch.
Chính quyền địa phương cũng đã triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật và chính sách để tăng năng suất và chất lượng mía, giúp giá trị cây mía dần cải thiện sau thời gian dài bị nông dân quay lưng.
Ông Lê Âu Anh Dương, Phó Giám đốc Công ty Mía đường Trà Vinh cho biết, nông dân Trà Vinh mới xuống giống hơn 1.200ha mía, con số này chỉ đáp ứng khoảng 1/3 công suất tiêu thụ của nhà máy.
Cũng do thiếu nguyên liệu, năm trước nhà máy đã phải nhập mía nguyên liệu từ các tỉnh khác, đồng thời chỉ hoạt động 65 ngày rồi phải tạm ngưng sản xuất đến nay do không đủ nguyên liệu.
“Chúng tôi đã có văn bản gửi UBND tỉnh Trà Vinh đề xuất hỗ trợ, phục hồi vùng mía nguyên liệu để đảm bảo nguồn cung cho nhà máy, bởi mỗi năm Công ty phải chi từ 2 – 3 tỷ đồng để bảo trì dây chuyền sản xuất dù vận hành ít”, ông Dương cho hay.
Nguồn: nongnghiep.vn