Chuyện lấy cũ đổi mới
Huyện Cao Lãnh là địa phương có đê bao, bờ bao triệt để lớn nhất tỉnh Đồng Tháp với chiều dài 1.633km, bảo vệ cho khu vực rộng 36.527ha, cao trình từ 2 – 4m.
Rong ruổi về các cánh đồng ở huyện Cao Lãnh, dọc tuyến đường dẫn vào xã Ba Sao, nhiều cánh đồng lúa vụ 3 nằm trong vùng đê bao thời điểm này đã thu hoạch xong được đôi ba ngày, nhan nhản hình ảnh đốt rơm rạ.
Hiếm hoi, cánh đồng liền kề của nhóm nông dân ở ấp 3 (xã Ba Sao) do gặp khó khi thương lượng giá bán với thương lái và không tìm được máy cắt nên thu hoạch bị chậm trễ. Lúa buộc phải neo trên đồng gần 10 ngày, thất thoát không tránh khỏi.
Ngồi trên bờ đê canh máy cắt đang thu hoạch cho 5 công đất (1.300m2/công) của gia đình, ông Nguyễn Văn Lợi ở ấp 3, xã Ba Sao rầu rĩ chỉ về hướng những bao lúa nằm ngổn ngang trên đồng bảo “bình quân chỉ được 400kg/công thôi”.
Ông Nguyễn Văn Bé Hùng ngồi cạnh, sản xuất lúa vụ 3 năm nay cũng không khá gì hơn. Máy đã cắt được 3 công nhưng chỉ thu được 24 bao lúa. Chưa kể, lúa bị thương lái chê nên mỗi bao cũng bị trừ bớt 2 – 3kg, năng suất cũng chỉ tầm 300 – 400kg/công. Theo ông Hùng, làm lúa 3 vụ/năm ngày nay muốn có năng suất phải thật giỏi thì mới có lợi nhuận cao hơn trước.
Ví như trường hợp của ông Lợi, gia đình ông chuyển qua trồng 3 vụ lúa/năm từ năm 2009. Đến nay, ông khẳng định năng suất lúa ngày càng sụt giảm. Hồi còn làm 2 vụ lúa/năm, việc canh tác diễn ra thuận lợi hơn, năng suất mỗi công từ 900kg đến 1 tấn là chuyện bình thường.
Càng về sau, các cánh đồng không được xả lũ, thu hoạch xong vụ 3, bà con tranh thủ đốt rơm rạ, xới đất để chuẩn bị tiếp tục xuống giống vụ đông xuân. Quá trình này vỏn vẹn chưa đầy nửa tháng, khiến đất đai không có thời gian nghỉ ngơi.
“Chuyển đổi từ 2 vụ lên làm 3 vụ chung quy cũng là câu chuyện lấy cũ đổi mới, chứ tiền đổ vô vật tư hết!”, ông Lợi nói đầy sự ngán ngẩm.
Dù không đánh giá được nguyên nhân vì sao năng suất lúa sụt giảm, nhưng ông Lợi tin chắc rằng do yếu tố thời tiết và dịch bệnh phát sinh nhiều khi đất đai không có điều kiện được nghỉ ngơi nên ngày càng bạc màu. Ngay trong vụ 3 năm nay, rầy phấn trắng phát sinh mạnh, lan rộng ở hầu hết các cánh đồng trong tỉnh Đồng Tháp.
Ông Lợi cho biết thêm, nhiều nông dân ở ấp 3, xã Ba Sao vì “nhót ruột” nên cứ cách 7 – 10 ngày lại phun xịt thuốc để phòng ngừa.
“Phải mua thuốc xịt, không lẽ xuống giống rồi, bỏ lúa chịu chết sao. Phải bường theo, hiện giờ tôi mần tổng cộng 15 công đất, tiền vật tư đổ vào trên 60 triệu đồng. Hiện nay đã thu hoạch gần 10 công, nhưng tiền lúa vừa bán được chỉ khoảng hơn 30 triệu đồng”, ông Lợi bộc bạch.
Muốn được chuyển đổi
Với mong muốn cải thiện năng suất, qua ghi nhận, bà con trồng lúa rất muốn được xả lũ vào đồng. Nói theo lời ông Nguyễn Văn Lợi là để có phù sa vào đồng, trồng lúa trúng hơn. Nhưng nhiều năm nay, vấn đề này chưa thực hiện được do việc xuống giống cứ cuốn chiếu liên tục.
Bản thân ông Lợi cũng dự tính chuyển đổi khoảng 4 – 5 công đất ở vùng gò cao sang trồng cây ăn trái như mít, chanh không hạt để cải thiện kinh tế gia đình. Thế nhưng hiện nay, chủ trương của địa phương lại không cho phép, nhiều trường hợp người dân tự ý chuyển đổi đã bị lập biên bản và xử phạt.
Do đó, để tính đến chuyện trồng lúa lâu dài, ông Lợi buộc phải tìm cách khác để cải tạo lại đất đai thông qua việc sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm vi sinh, tiết kiệm hơn nữa là sử dụng đạm cá từ các cơ sở nuôi trồng thủy sản để ủ bón cho đất.
Kênh Tháp Mười đưa nước vào kênh Ông Cả rồi dẫn vào các kênh nội đồng ở xã Ba Sao, trong đó có kênh Đuôi Chuột (theo cách gọi của người dân địa phương).
Đây là vùng đê bao khép kín, tuy chưa được xem là cứng hóa phần mặt đê nhưng vẫn đảm bảo việc sản xuất lúa 3 vụ/năm cho người dân địa phương.
11h trưa, dưới đồng, nhiều bà con nông dân tay cầm theo bao đựng lúa và lưỡi hái tranh thủ lượm lặt thêm những cây lúa còn sót hay hạt lúa rơi vương vãi trong quá trình thu hoạch.
Thong thả ngồi câu cá trên bờ kênh, ông Nguyễn Văn Út ở ấp 2, xã Ba Sao vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi sau khi đã thu hoạch xong 3 công lúa vụ 3 với năng suất được xem là khá hơn so với những khu vực khác, đạt 800kg/công.
Tuy vậy, ông Út cũng tỏ ra ngán ngại vì chi phí đầu tư cho sản xuất lúa hiện quá nặng, trong khi giá lúa không cao hơn nhiều so với thời điểm cách đây trên 10 năm.
Thời điểm đầu, sau khi chuyển đổi sang trồng lúa vụ 3, năng suất lúa rất đạt, tầm 1 tấn/công. Rồi về sau, đất đai ngày càng bạc màu do canh tác liên tục, nếu được xả lũ tầm 1 tháng thôi cũng rất tốt cho bà con.
Trong khi đó, hồi còn làm lúa 2 vụ/năm, ông Út đánh giá vừa nhẹ công sức, vừa đỡ chi phí, đất đai có phù sa màu mỡ, việc đón lũ không chỉ bồi đắp phù sa cho ruộng đồng mà còn thau rửa, bớt đi nguồn sâu bệnh lưu cữu, cây lúa phát triển khỏe nên cũng chống chịu tốt hơn với sâu bệnh, giảm được việc sử dụng vật tư bảo vệ thực vật cũng như phân bón…
“Đất đai bây giờ có được nghỉ ngơi đâu, loay hoay nửa tháng lại sạ. Hồi xưa làm 2 vụ, còn 1 vụ để ruộng xả lũ tầm 2 – 3 tháng. Bắt đầu từ giữa tháng 6, nước lên, tôi đi đặt lợp bắt cá lóc hoặc xà di bắt cá rô, sống thoải mái, thu nhập cũng từ 800.000 đồng đến cả triệu đồng/ngày”, ông Út bộc bạch.
Bản thân ông Út hiện tại rất mong muốn chuyển đổi diện tích đất lúa hiện có sang trồng mít, đào ao nuôi thêm cá nhưng cũng không nhận được sự chấp thuận của chính quyền địa phương.
Qua tìm hiểu thực tế, cách đây 3 năm, phong trào chuyển đổi sản xuất từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Cao Lãnh phát triển mạnh.
Tại ấp 3, xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, giữa mênh mông cánh đồng lúa, trang trại của gia đình anh Võ Hoàng Khang lại đang cho hiệu quả cao.
Mô hình được xây dựng theo hướng tuần hoàn, kinh tế chủ lực là cây mít đỏ. Gia đình anh nuôi thêm khoảng 100 con dê, nguồn thức ăn cho vật nuôi có thể tận dụng phụ phẩm từ mít. Ngoài ra, phân dê được thu gom để ủ nuôi trùn quế, tạo nguồn phân bón hữu cơ cung cấp ngược lại cho vườn cây ăn trái.
Vụ vừa rồi gia đình anh Khang xuất bản khoảng 70 con dê, với giá 85.000 đồng/kg, bình quân lợi nhuận thu được vài chục triệu đồng.
Hiện nay việc chuyển đổi bị siết chặt, xuất hiện tình trạng “da beo”, lỡ cỡ giữa những cánh đồng lớn lại đan xen số ít vườn cây ăn trái. Điều này cũng khiến việc điều tiết xả lũ xung đột giữa các hộ dân. Vậy nên dù muốn hay không, nông dân đã phát triển trồng lúa 3 vụ/năm thì giờ đây chỉ còn con đường tiếp tục bám ruộng đồng và tìm cách khôi phục lại hệ sinh thái tự nhiên.
Nguồn: nongnghiep.vn