Bài báo cho biết: “Toàn tỉnh Hà Tĩnh thành lập 183 tổ khuyến nông cộng đồng nhưng số tổ có hoạt động và hoạt động có hiệu quả chỉ đếm trên đầu ngón tay… Phó Chủ tịch xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên) cho biết, việc thành lập tổ khuyến nông cộng đồng cơ bản mới chỉ để đảm bảo tiêu chí khuyến nông mới. Vì rằng, trong hướng dẫn của Bộ NN-PTNT có tiêu chí 13, yêu cầu xã nông thôn mới phải có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả.
Theo chúng tôi, yêu cầu đó là cần thiết và vai trò của tổ khuyến nông cộng đồng ở địa phương là rất quan trọng. Tuy nhiên, qua thực tế ở địa phương, người ta đã nêu ra hàng loạt khó khăn như: Không có quy chế hoạt động, không có cơ chế và chính sách hỗ trợ, không có địa điểm làm việc, thiếu năng lực chỉ đạo, cán bộ thì kiêm nhiệm nhiều việc… Có lẽ, đó là khó khăn chung mà ở tất cả các địa phương đều gặp phải. Chúng ta phải làm gì để tháo gỡ những khó khăn này?
Theo tôi, bà con thường trông chờ ở tổ khuyến nông cộng đồng thông tin hữu ích, những cách làm ăn hay, những phương pháp giúp nông dân vươn lên được ngay chính trên địa phương mình, những cách thức để tăng được thu nhập mà lại bảo vệ được môi trường… Bà con hi vọng khi tới sinh hoạt ở tổ khuyến nông cộng đồng, họ sẽ tiếp cận được với các thông tin mới đó.
Tiền nong, nhà cửa, phương tiện, quy chế hoạt động… là những yêu cầu cần thiết. Nhưng theo tôi, đó không phải là yếu tố quyết định. Cái mà bà con mong chờ là tổ khuyến nông cộng đồng sẽ giúp cụ thể những cách thức làm ăn để họ vươn lên được ngay trên chính mảnh đất của mình. Họ sẽ có thể giàu lên nhờ kiến thức từ tổ chức khuyến nông cộng đồng. Vì vậy, việc tăng cường kiến thức cho các thành viên tổ khuyến nông cộng đồng là vấn đề quyết định cho hoạt động.
Về việc này, hệ thống khuyến nông từ trung ương đến các cơ sở đã hoạt động rất tích cực. Đấy chính là nguồn thông tin rất bổ ích để nâng cao kiến thức cho các thành viên của tổ khuyến nông cộng đồng.
Nhằm giúp các hoạt động trên được hiệu quả hơn, chúng tôi phối hợp với Nhà xuất bản Nông Nghiệp đã xây dựng bộ sách “1001 cách làm ăn”. Bộ sách này sẽ trang bị cho bà con hàng trăm ngành nghề có thể thực hiện hiệu quả ngay tại địa phương. Chúng tôi đã huy động tất cả các nhà khoa học trong cả nước tham gia viết cho bộ sách này.
Với tinh thần phát huy hết tiềm năng của các địa phương, bộ sách sẽ dạy cho bà con hàng trăm nghề có thể tự vươn lên làm giàu ngay tại quê hương mình. Việc gì phải đi xa! Cứ ở địa phương ngay tại nhà mình, chúng ta có thể làm giàu một cách chính đáng nhờ rất nhiều nghề mà chúng tôi đã viết thành sách cho bà con.
Chúng tôi yêu cầu các nhà khoa học phải chọn ra những nghề bà con có thể làm ngay tại gia đình và cho thu nhập cao. Mặt khác, họ phải viết thật đơn giản, thật dễ hiểu và hướng dẫn rất cụ thể để bà con có thể làm được. Mỗi cuốn sách chỉ khoảng 35 – 50 trang nhưng phải đủ kiến thức để giới thiệu hoàn chỉnh một nghề…
Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (thuộc Viện Chăn nuôi) đã hưởng ứng ngay, họ lập tức viết cho chúng tôi 14 cuốn sách để hướng dẫn cho bà con cách nuôi tất cả các loại gia cầm hiện có như gà ri, gà Mía, gà Đông Tảo, gà lông màu hướng thịt, gà hướng trứng, nuôi đà điểu, nuôi các giống vịt, giống ngan…
Ngành thủy sản cũng tham gia viết ngay một loạt sách hướng dẫn cách nuôi cá ao, các lóc, cá rô phi, cá diêu hồng, cá chạch lấu, cá bè đưng, cách nuôi ốc nhồi, nuôi ốc hương, nuôi cà cuống, nuôi lươn trong bể không bùn, nuôi tôm càng xanh, nuôi cá bông lau, nuôi bào ngư chín lỗ, nuôi rong nho, rong sụn, nuôi rạm, nuôi sá sùng, nuôi tôm hùm trong bể có hệ thống tuần hoàn…
Về vật nuôi thì có các cuốn sách về cách nuôi bò BBB lai, nuôi nhím, nuôi nhông cát, nuôi giun đất, nuôi trâu, nuôi dế, nuôi rắn ri voi, rắn hổ mang, rắn ráo trâu…
Viện Nghiên cứu Rau quả thì cho ra một loạt sách về trồng hoa ly, hoa lan hồ điệp, cúc cắt cành, cây bon sai, hoa đồng tiền, hoa trà và hàng loạt cây ăn quả như nho hạ đen, cây mắc ca, cây điều, cây thanh long, cây hồ tiêu, cây bưởi, cây na hoàng hậu, các giống cam quýt không hạt, cây chanh leo, cà chua trái vụ, cây trám, cây dẻ ăn hạt, cây neem và cách nuôi bèo hoa dâu…
Các nhà khoa học còn hướng dẫn cách sử dụng chế phẩm vi sinh EMUNIV, cách dùng Etylen trong sản xuất rau quả, cách ủ biogas bằng túi HDPE cải tiến, cách phòng trị bệnh cho gia cầm và thủy cầm, cách nuôi trồng nấm dược liệu, nấm mùa hè, cách nhân giống cây bằng nuôi cấy mô…
Hàng trăm nhà khoa học cũng đang háo hức để viết tiếp sách cho bà con. GS.TS Võ Tòng Xuân đã hứa sẽ viết cuốn “cách trồng lúa” cho bà con. Rất tiếc, ông đã vội đi về cõi vĩnh hằng. Chắc rằng, các môn đệ của ông sẽ tiếp tục sự nghiệp mà ông để lại.
Cho đến hôm nay, bộ sách đã có được gần 100 nghề rồi. Chắc rằng trong năm tới số đầu sách sẽ lên tới 200 – 300 cuốn. Hi vọng các cán bộ của tổ khuyến nông cộng đồng sẽ sớm tiếp cận bộ sách này để hướng dẫn cho bà con. Mỗi nhà sẽ có thêm 1 – 2 nghề có thể tự vươn lên được.
Tổ khuyến nông cộng đồng sẽ đứng ra phân phối nghề cho từng gia đình. Kỹ thuật thì đã có trong sách! Vấn đề còn lại là tổ chức cho bà con thực hiện. Việc này rất vui và hiệu quả, làm gì còn chuyện “hữu danh vô thực”! Vì vậy, các tổ khuyến nông cộng đồng nên liên hệ với Nhà xuất bản Nông nghiệp để lấy những tài liệu mà địa phương cần rồi phân phát cho bà con. Nhà xuất bản có số điện thoại trực là 0916.254.699
Hi vọng ở Hà Tĩnh và tất cả các tỉnh khác, các tổ khuyến nông cộng đồng sẽ sôi nổi hoạt động, đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến từng gia đình.
Nguồn: nongnghiep.vn