Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, quản trị công ty minh bạch và hiệu quả, gắn liền với các yếu tố ESG hiện là một trong những vấn đề cốt lõi mà các doanh nghiệp cần tập trung ưu tiên. Đây không chỉ là vấn đề với các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) hay các các công ty đại chúng (CTĐC) – mà cả các doanh nghiệp tư nhân lớn và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng đang quan tâm, chú trọng.
Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phẩn, mua phần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài đạt khoảng 14,15 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ.
ESG là cụm từ viết tắt bởi Environmental (Môi trường); Social (Xã hội) và Governance (Quản trị doanh nghiệp). Đây là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng, tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng.
Đối với vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, trong giai đoạn, đã có 2.196 lượt với tổng giá trị góp vốn 2,81 tỷ USD, giảm 40,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 838 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 1,27 tỷ USD; 1.358 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,54 tỷ USD.
Tại hội thảo “Danh tiếng và niềm tin của doanh nghiệp – Góc nhìn từ ESG và Quản trị công ty” do Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Viện Thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD) tổ chức mới đây, các chuyên gia của VIOD cho rằng, thông tin và dữ liệu về quản trị công ty (QTCT) và ESG đang được đánh giá đồng thời với những thông tin tài chính để đưa ra những quyết định đầu tư mới; hoặc quyết định đầu tư mở rộng của các nhà đầu tư cũng như các quỹ đầu tư tư nhân quốc tế.
Do đó, câu chuyện quản trị công ty gắn với ESG cần được đánh giá như chính năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo ông Phan Lê Thành Long, Tổng Giám đốc VIOD, mục tiêu nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi của thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng khả quan trong kỳ đánh giá và công bố vào tháng 10/2025 của FTSE Russell. Điều này đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Để chuẩn bị, bên cạnh những việc cần thực hiện từ các công ty chứng khoán, muốn đảm bảo “trải nghiệm của nhà đầu tư”, cần sự đồng hành của các DNNY trong việc thúc đẩy QTCT để có thể thực sự thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Việc này càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh, điểm số QTCT của Việt Nam đang ở mức thấp nhất so với các quốc gia ASEAN tham gia đánh giá, theo thẻ điểm QTCT ASEAN (ACGS) sơ bộ năm 2024.
Mở ra cánh cửa để thu hút hàng tỷ USD vốn nước ngoài
Theo bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VIOD, trong bối cảnh Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đang nỗ lực để nâng hạng Thị trường Chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, mục tiêu tập trung vào tiêu chí ESG và QTCT nhằm mở ra cánh cửa để dòng vốn nước ngoài chảy vào các doanh nghiệp.
Để thu hút dòng vốn trên, các doanh nghiệp cần chứng minh mình có nền quản trị minh bạch, quản trị hiệu quả và chiến lược phát triển bền vững, gắn liền với giảm thiểu các tác động đến môi trường và kiến tạo giá trị xã hội. Bởi đây được coi là những yếu tố mà các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm và đánh giá cao.
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng giám đốc Thường trực Deloitte Việt Nam, cho biết, theo một khảo sát trên 200.000 người của Deloitte trong 2 năm gần đây, đối với những công ty có được niềm tin của thị trường so sánh với những công ty không có điều này, con số gia tăng về mặt giá trị của công ty đó rất lớn.
Thực tế là các nhà đầu tư, quỹ đầu tư quốc tế thường tìm đến những công ty mà họ đặt niềm tin và có giá trị niềm tin lớn ở trên thị trường. Giá trị niềm tin này được thể hiện thông qua niềm tin đặt vào người quản trị, hội đồng quản trị, ban điều hành, cách họ làm việc với nhau và cách họ dẫn dắt công ty trong chiến lược phát triển bền vững của chính doanh nghiệp đó.
“Theo khảo sát của Deloitte, có tới 79% số nhân viên họ mong muốn làm việc với công ty vì doanh nghiệp có văn hóa tốt, có cơ hội phát triển và các nhân tài được thỏa sức đổi mới và sáng tạo”, bà Trần Thị Thúy Ngọc thông tin.
Doanh nghiệp nông sản tìm động lực tăng trưởng mới từ ESG
Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết luôn tác động mạnh đến cả sản lượng nông nghiệp lẫn diện tích trồng trọt, chăn nuôi của Việt Nam.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường diễn biến ngày càng khó lường, việc phát triển bền vững, thực hành ESG trong sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản ngày càng được Việt Nam chú trọng.
Theo các chuyên gia, trên chặng đường hướng tới nông nghiệp xanh, bên cạnh vấn đề nhận thức thì rào cản lớn nhất đang là chi phí lớn. Doanh nghiệp cần nhìn nhận đây là những khoản đầu tư lâu dài, có giá trị trong tương lai để cùng hướng tới sự chuyển dịch trong hoạt động sản xuất nông nghiệp một cách mạnh mẽ hơn.
Chia sẻ tại hội thảo IR View chủ đề “Xanh hóa” chuỗi cung ứng vừa diễn ra, ông Nguyễn Hồng Hiệp, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn PAN cho biết từ 10 năm trước doanh nghiệp này đã định hướng nâng tầm giá trị nông nghiệp thông qua thực hành ESG.
Một nửa doanh thu của PAN đến từ xuất khẩu nông sản, mà 90% thị trường là Nhật Bản, Châu Âu và Hoa Kỳ. Vì vậy, để nâng tầm giá trị sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, tập đoàn buộc phải xây dựng quy trình sản xuất khắt khe, tuân thủ các tiêu chí về phát triển bền vững.
Cũng theo ông Hiệp, ESG hay phát triển bền vững hiện nay được nói đến rất nhiều, là xu hướng với doanh nghiệp niêm yết – nhưng cách đây 10 năm, nó là câu chuyện rất lạc lõng, kể cả trong nội bộ. Tuy nhiên, giờ đây nó đã là xu hướng bắt buộc phải làm, doanh nghiệp không thể chậm trễ hơn nữa.
Nguồn: nongnghiep.vn