Hội nghị được tổ chức nhằm lắng nghe các kiến nghị, phản ánh của nhà đầu tư, doanh nghiệp đến chính quyền địa phương để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn. Đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư, doanh nghiệp đề ra các giải pháp, hiến kế, góp ý cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 1.386 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký khoảng 14.875 tỷ đồng. Thu hút đầu tư trong nước trong 9 tháng đạt 168,3% kế hoạch, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 34.751 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư nước ngoài với 48 dự án cấp mới và điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm khoảng 1,9 tỷ USD. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 489 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 33,4 tỷ USD và 697 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 400.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, trong 3 năm gần đây, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh luôn nằm trong nhóm 10 tỉnh thành cao nhất nước và đứng đầu trong khu vực Đông Nam bộ. Chỉ số xanh cấp tỉnh có sự thăng hạng vượt bậc, từ xếp thứ 19 năm 2022 lên vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng năm 2023. Qua đó, thể hiện tỉnh không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính và theo đuổi mục tiêu phát triển xanh, bền vững.
Trong năm 2024, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chủ động nghiên cứu, áp dụng những giải pháp đổi mới để cải cách hành chính, xem đây là khâu đột phá trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành tại cơ quan, đơn vị.
Chủ tịch UBND Bà Rịa – Vũng Tàu cũng mong muốn doanh nghiệp, nhà đầu tư, đại diện các hiệp hội cùng với những kiến nghị sẽ đóng góp thêm những ý kiến, hiến kế nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh. Trên cơ sở đó, địa phương sẽ nghiên cứu, có các giải pháp về chính sách nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, rào cản để hỗ trợ tích cực đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
“Tôi đề nghị các đại biểu mạnh dạn phát biểu, không ngại va chạm, UBND tỉnh sẽ tiếp thu và chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh có buổi làm việc riêng hoặc phản hồi, trả lời cho doanh nghiệp bằng văn bản sau hội nghị”, ông Nguyễn Văn Thọ nói.
Đến nay, Tổ công tác 997 của tỉnh đã tiếp nhận và xử lý hơn 60 kiến nghị, đã xử lý xong 38 và đang tiếp tục xử lý 22 kiến nghị của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Các kiến nghị liên quan đến lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản, thuế và tiền thuê đất, cải cách hành chính, hướng dẫn chính sách, thủ tục hành chính…
Trong quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tỉnh lựa chọn 4 nhóm ngành kinh tế quan trọng làm trụ cột phát triển gồm công nghiệp, kinh tế hàng hải – dịch vụ logistics, du lịch và phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao gắn với phát triển hệ thống đô thị hiện đại. Các nhóm ngành kinh tế trụ cột được thu hút đầu tư gắn với quy hoạch tỉnh, trên cơ sở tổ chức không gian 3 trục động lực phát triển tại 4 vùng chức năng.
Nguồn: nongnghiep.vn