Hoài Ân là huyện trung du miền núi của tỉnh Bình Định. Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, UBND huyện Hoài Ân xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp thôn tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Hoài Ân đến năm 2025.
Theo đó, các cơ quan, ban, ngành đoàn thể; các xã, thôn đồng lòng phát huy vai trò, trách nhiệm nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia. Hoài Ân phấn đấu đến cuối năm 2025 có 60% tổng số thôn được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới. Trong đó, trong năm 2024, các địa phương ở Hoài Ân tập trung triển khai các phong trào thi đua do tỉnh và huyện phát động như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Hoài Ân chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Nói về các giải pháp thực hiện triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết địa phương này tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Hoài Ân chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng tình cao trong triển khai thực hiện chương trình, góp phần làm thay đổi diện mạo các bản làng.
“Hoài Ân đồng thời tập trung thực hiện sâu rộng cuộc vận động “Huyện Hoài Ân chung sức xây dựng nông thôn mới”. Tổ chức phát động, tuyên truyền, phổ biến, vận động từ huyện đến cơ sở để mọi tầng lớp nhân dân hiểu và cả hệ thống chính trị tham gia. Biểu dương các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến, kinh nghiệm, cách làm hay về xây dựng nông thôn mới trên hệ thống đài truyền thanh huyện, xã để phổ biến và nhân rộng trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân”, ông Nguyễn Xuân Phong cho hay.
UBND tỉnh Bình Định vừa có quyết định điều chỉnh chỉ tiêu 14.1 của tiêu chí số 14 về Môi trường và an toàn thực phẩm, thuộc Bộ tiêu chí nông thôn mới cấp thôn (làng) trên địa bàn các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh, giai đoạn 2021-2025.
Quy định cũ “Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn bằng hoặc lớn hơn 20% (trong đó bằng hoặc lớn hơn 10% từ hệ thống cấp nước tập trung)” được điều chỉnh thành: “Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn bằng hoặc lớn hơn 20% (trong đó bằng hoặc lớn hơn 10% từ hệ thống cấp nước tập trung đối với thôn có sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung)”.
Việc điều chỉnh này dựa trên quy định của Chính phủ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương miền núi hoàn thành tiêu chí số 14 về Môi trường và an toàn thực phẩm trong bối cảnh điều kiện nguồn vốn đầu tư các công trình nước sạch ở miền núi còn hạn hẹp.
“Việc xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội ở các địa phương miền núi tiếp tục được đầu tư nâng cấp và xây mới đồng bộ; nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả ngày càng được nhân rộng đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trên hành trình xây dựng nông thôn mới ở miền núi Bình Định”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định chia sẻ.
Nguồn: nongnghiep.vn