Huyện Thanh Hà (Hải Dương) là địa phương có diện tích trồng ổi lớn ở Việt Nam với gần 2.000ha, sản lượng xấp xỉ 40.000 tấn/năm. Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề, khiến sản lượng ổi năm nay ở Thanh Hà ước giảm đến 70%.
Sau bão, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương đã sớm tổ chức các đoàn công tác, cử cán bộ kỹ thuật đến cơ sở hướng dẫn cho bà con cách chăm sóc, “phục hồi sức khỏe” cây ổi. Tại xã Liên Mạc (huyện Thanh Hà), Trung tâm Khuyến nông Hải Dương đã tổ chức hội nghị đầu bờ, tập huấn khắc phục thiệt hại đối với cây ổi.

Phần cành, lá, quả bị rụng cần được thu dọn, xử lý sớm, tránh gây ô nhiễm đất. Ảnh: Tùng Đinh.
Trước tình trạng hàng trăm ha ổi bị ngập nước dài ngày, cán bộ của Trung tâm Khuyến nông Hải Dương cho biết đây là nguy cơ cao gây bệnh cho cây do nguồn nước bị nhiễm bẩn, nhiều mầm bệnh, tuyến trùng. Theo đó, việc đầu tiên sau bão lũ là cần dựng, chống những cây ổi bị nghiêng, đổ nhưng vẫn còn sống. Sau đó cần tiến hành cắt tỉa cho cây, sớm cắt những cành đã bị gãy, cành nhỏ dùng kìm, cành lớn dùng cưa. Các lá bị dập, lá già cũng phải cắt bởi đây là những lá có khả năng quang hợp kém nhưng lại tiêu tốn dinh dưỡng.
Lưu ý, khi cắt cành phải cắt theo đường chéo giúp vết cắt không bị đọng nước, lưu trữ mầm bệnh. Với những cành to, cần phải bôi vôi vào vết cắt để tránh bị nhiễm bệnh.
“Việc cắt cành là rất cần thiết, không được tiếc vì ổi là cây có khả năng sinh trưởng mạnh, những cành mới sẽ sớm sinh ra và khỏe hơn nhiều”, ông Nguyễn Phú Thụy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Dương khuyến cáo.
Bị ngâm nước lâu ngày còn khiến rễ cây ổi bị úng, thối, giảm khả năng sinh trưởng và sức khỏe của cây. Ngoài ra, đất bị nén chặt cùng với lượng lá rụng đang phân hủy cũng gây những tác động xấu cho cây ổi, cần phải xử lý ngay sau khi tỉa cành. Vì vậy cần dọn dẹp lượng lá rụng, thối ở luống trồng ổi, sau đó rải vôi bột để khử khuẩn và mở đường thở cho rễ bằng cách cuốc đất xung quanh gốc.

Phân lân vi lượng cần được phun ở mặt dưới của lá. Ảnh: Tùng Đinh.
Lưu ý, chỉ cần cuốc nông từ 5 – 10cm và ở khu vực rễ thở, nằm xung quanh gốc cây. “Việc cuốc đất giúp khi nắng lên hơi nước bốc nhanh, tránh tình trạng rễ bị bít và giúp trao đổi không khí tốt hơn”, chuyên gia trồng trọt của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương giải thích thêm.
Sau khi đã tỉa cành, xới đất, việc tiếp theo là bổ sung lân bằng phương pháp bón lá. Đây là giải pháp để tăng sức khỏe cho cây, giúp cây tái tạo hệ thống rễ đã bị tổn thương sau mưa bão. Tốt nhất là sử dụng các chế phẩm lân vi lượng đang được bán rộng rãi trên thị trường.
Sau khi pha chế lân bón lá theo hướng dẫn của nhà sản xuất, người dân có thể tổ chức phun ngay cho cây, càng sớm càng tốt. Bà con nên phun vào buổi chiều, khi trời mát mẻ để cây có thể hấp thụ tốt qua lá vào ban đêm. Khi phun bà con nên phun theo hướng từ dưới lên để lân bám vào mặt dưới lá, nơi có các lỗ khí khổng lớn, giúp hấp thụ tốt.
Từ khi bón lân vi lượng qua lá phải chờ ít nhất 1 tuần mới được bón phân vào rễ và cũng chỉ sử dụng phân bón vi sinh. Đối với phân bón NPK, thời gian bón là ít nhất nửa tháng sau khi phun lân vi sinh và bón với liều lượng ít hơn so với bình thường, tăng dần theo thời gian.

Bà Phạm Thị Việt Hà, người dân xã Liêm Mạc, huyện Thanh Hà xử lý những cây ổi bị ảnh hưởng sau mưa bão. Ảnh: Tùng Đinh.
Phó Chủ tịch UBND xã Liên Mạc – ông Đặng Văn Thăng cho biết, địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn để tổ chức phục hồi sản xuất, hồi sinh vườn ổi, giúp bà con tái sản xuất hiệu quả và bền vững.
Ông Thăng cũng cho biết sau bão lũ, chính quyền đã sớm tuyên truyền, đồng thời cử cán bộ đến các hộ dân để hỗ trợ khắc phục tại chỗ, phục hồi những cây ổi bị nghiêng, đổ, dọn dẹp, vệ sinh phế thải do bão gây ra.
Nguồn: nongnghiep.vn