Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học, tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với quá tải hạ tầng, khói bụi từ các thành phố, các khu công nghiệp đã gây ra nhiều hệ lụy, trong đó có vấn nạn ô nhiễm môi trường và sự thiếu hụt về cây xanh, nguồn nước và thực phẩm sạch cho cư dân đô thị sẽ là áp lực lớn.
Để giải bài toán giúp người dân đô thị cân bằng lại cuộc sống thì phát triển nông nghiệp đô thị là một trong những giải pháp, xu hướng tất yếu của thế giới cũng như tại Việt Nam. Mô hình này sẽ mang lại lợi ích vô cùng to lớn như góp phần phủ xanh, tăng lượng oxy trong khu vực đô thị, làm giảm phát thải khí nhà kính, cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ cho người dân…
Vậy nhưng, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa như hiện nay đang tạo ra nhiều yếu tố đe dọa sự phát triển nhanh và bền vững. Ví dụ như một bộ phận lao động trong nông nghiệp mất đất sản xuất, thiếu công ăn việc làm; dân cư từ nông thôn vẫn đổ dồn về các thành phố lớn để tìm việc, làm gia tăng nhu cầu về lương thực, thực phẩm…Cùng với đó là vấn đề ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí luôn luôn tiềm ẩn gây ra những hệ lụy khó lường cho kinh tế- xã hội.
Theo ông Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, tuy nông nghiệp không đóng góp tỷ trọng lớn trong GDP của các đô thị (dưới 5% tại các đô thị lớn), nhưng lại luôn giữ vai trò rất quan trọng, không chỉ đơn thuần là cung cấp lương thực, thực phẩm, bảo vệ môi trường… mà còn đảm bảo tính ổn định về an sinh xã hội.
Cùng với đó, đô thị hoá là xu thế tất yếu khách quan, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội. Do vậy, đầu tư cho phát triển nông nghiệp đô thị chính là đầu tư cho bốn mục tiêu tốt hơn gồm: sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và sức khỏe tốt hơn.
Trong những năm qua, trước các thách thức của biến đổi khí hậu và nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nhiều hộ nông dân vùng ven đô của tỉnh Hưng Yên đã mạnh dạn chuyển đổi, từ bỏ lối canh tác truyền thống – tiêu tốn rất nhiều tài nguyên đất – nước và công sức để áp dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ cao nhằm tạo ra nhiều sản phẩm vừa có chất lượng, vừa đa dạng mẫu mã để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Cụ thể, chỉ với một quỹ đất hạn hẹp, nhiều hộ dân đã chuyển đổi sản xuất bằng cách đưa các giống cây, con mới và lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, tiết kiệm cùng với hệ thống nhà màng, nhà lưới và có thể theo dõi, điều tiết chế độ chăm sóc trên hệ thống máy tính/điện thoại thông minh từ xa mà vẫn có thể yên tâm cây trồng, vật nuôi luôn phát triển tốt.
“Để phát huy tiềm năng, lợi ích của nông nghiệp đô thị, một số địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh như Hưng Yên đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ người dân mạnh dạn đầu tư và phát triển sản xuất. Trong đó có thể nói tới chương trình hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi phục vụ chuyển đổi, đồng thời thông qua các đề án, dự án cho các vùng sản xuất tập trung theo VietGAP, hữu cơ”, ông Nguyễn Văn Hanh, Phó trưởng Phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT Hưng Yên) cho biết.
Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên cũng hỗ trợ một số địa phương xây dựng các mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn, đồng thời tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã tiếp cận với bà con nông dân, tạo ra cơ hội đầu tư, liên kết sản xuất cũng như tiêu thụ nông sản được thuận lợi.
Hiện các mô hình nông nghiệp đô thị đang phát triển ở Việt Nam theo hai hướng là: mô hình nông nghiệp chính quy (được tổ chức sản xuất tập trung tại các không gian rộng như các trang trại, các vùng sản xuất chuyên canh ở ngoại thành) và mô hình nông nghiệp phi chính quy (do các hộ gia đình tận dụng không gian hạn hẹp nơi sinh sống để tự trồng trọt, chăn nuôi).
Nguồn: nongnghiep.vn