Khó xử lý dứt điểm
Ông Trần Văn Trường, Phó Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc (Nghệ An) thừa nhận khó khăn, vất vả trong quá trình ứng phó sâu róm hại thông, thực trạng này tồn tại hơn 20 năm rồi nhưng chưa thể xử lý dứt điểm.
“Dịch xuất hiện lần đầu vào tháng 8/2003 tại xã Nghi Yên, sau đó lan nhanh sang các địa bàn khác trong lâm phần quản lý của chúng tôi, sự thể kéo dài đến cuối năm 2004 mới cơ bản chấm dứt. Đặc tính của sâu róm thông là ăn mỗi lá thông, chúng đặc biệt ưa thích lá thông già, do đó nếu không kịp thời xử lý mức độ tàn phá sẽ rất khó lường. Ngày đó toàn Ban có hơn 3.000 ha bị ảnh hưởng, qua phân loại có khoảng 300 ha thông chết cục bộ. Bẵng đi một thời gian, về sau độ 2, 3 năm lại bùng phát một lần”, Phó Ban Trần Văn Trường chia sẻ.
Ngày ấy điều kiện thiếu thốn quá đỗi, phải ứng phó theo hướng thủ công thuần túy nên hiệu quả không cao. Đường rừng lại gập ghềnh, trắc trở, nhiều điểm dốc đứng không thể dùng phương tiện vận chuyển, đành thuê mướn nhân công gánh gồng từng thùng nước loại 15 lít, nhọc nhằn di chuyển hàng cây số đổ vào thùng phi. Xong xuôi dùng máy bơm trợ lực, kéo vòi phun nước đến những điểm có sâu gây hại.
Phương pháp này không mấy khả dĩ, bởi lẽ những cây thông trưởng thành có chiều cao trung bình 20 – 21m, nhiều cây cao tận 25m, trong khi vòi phun chỉ đáp ứng được trong phạm vi 4 – 5m, riêng những tầng tán trên cao cơ bản bó tay toàn tập. Tính ra anh em hoạt động cật lực mỗi ngày chỉ ngăn ngừa được chừng 5 ha đổ về, trong khi giai đoạn đỉnh điểm sâu róm có thể lan rộng đến hàng chục ha/ ngày.
Sau nhiều năm phối hợp nghiên cứu và cải tiến, hiện Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc đang áp dụng 2 phương pháp được cho là tối ưu nhất, gồm đặt bẫy đèn và phun thuốc.
Quá trình dùng bẫy đèn thường kéo dài từ đêm hôm trước đến rạng sáng hôm sau, đặt đúng thời điểm đối tượng gây hại “vũ hóa” sẽ hiệu quả hơn cả. Xuyên suốt thời gian này phải cắt cử tổ đội 4 – 5 người thay nhau túc trực, theo dõi chặt chẽ các điểm đèn.
Khác với thường lệ, đợt rồi sâu róm chủ yếu tác động đến diện tích rừng trồng thông non với quy mô khoảng 750 ha, qua ghi nhận đến phân nửa diện tích có tỷ lệ sâu xuất hiện dày đặc, lên đến 400 con/ cây. Nhờ bẫy đèn phát huy tác dụng mức độ gây hại đã giảm thiểu nhiều lần. Phương pháp khá phù hợp với điều kiện thực tế nhờ chi phí vừa phải, lại tác động trong phạm vi rộng, ở mức 20 – 30 ha/ bẫy đèn.
Ngoài ra, việc sử dụng thuốc sinh học để phun trừ sâu róm cũng cho hiệu quả nhất định, ưu điểm của phương pháp này là không gây hại đến môi trường và các thiên địch đặc chủng khác. Ngược lại, nhược điểm là phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện thời tiết. Điểm trừ nữa là chi phí khá tốn kém, tất tần tật “ngốn” trên 1 triệu đồng/ ha, vị chi để rải đều toàn bộ phạm vi đợt này cần đến 1 tỷ đồng.
“Hiện tại chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của sâu róm thế hệ 4, chờ thời tiết chuyển biến sẽ tiến hành phun trừ ngay. Nhờ sự hỗ trợ tích cực của Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ rừng (thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), áp lực đối phó với sâu róm hại thông trong những năm qua được giảm tải đi nhiều. Quá trình thực hiện Trung tâm đã triển khai một số đề tài liên quan, điển hình như trồng thử nghiệm cây trội để kháng dịch, ngoài ra đang nghiên cứu, chế tạo loại bẫy đèn phù hợp với điều kiện ngoại cảnh, đặc biệt những nơi xa, khó kéo điện đến”, ông Trường thông tin thêm.
Theo ghi nhận của Nông nghiệp Việt Nam, vừa qua sâu róm hại thông bùng phát trên 1.000 ha tại địa bàn Nghệ An, trong đó 750 ha tập trung tại lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc. Nhiều lô, khoảnh bị sâu róm tác động nặng, lá thông trơ trụi trên 70% buộc phải dừng khai thác nhựa.
Trước tình hình trên, lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Sở NN-PTNT đã trực tiếp kiểm tra và lên phương án chỉ đạo, ứng phó. Ngành nông nghiệp cũng đã đề xuất tỉnh có phương án hỗ trợ kinh phí cho chủ rừng để phòng trừ sâu bệnh.
Nỗi lòng người trong cuộc
Đành rằng sâu róm hại thông tại Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc không phát sinh rầm rộ như 20 năm trước đó nhưng cơ bản vẫn âm ỉ kí sinh trên một số vùng trồng ẩm ướt, điều này khiến những người như anh Võ Hiền Tuân, Trưởng bộ phận kế hoạch kỹ thuật quản lý bảo vệ rừng của Ban lắng lo triền miên.
Ở trong chăn mới biết chăn có rận, qua nhiều năm trực tiếp lăn lộn ứng phó, anh Tuân hiểu rõ hơn ai hết nỗi cơ cực của nghề này: “Trăm cái khó đổ lên đầu chứ chẳng chơi. Mang vác vật dụng, máy móc nặng 1,5 yến, cộng thêm 1,6 yến thuốc nữa, vị chi anh em phải cõng trên lưng trên 30 kg rồi, tay xách nách mang di chuyển đường rừng nhọc nhằn vô cùng. Phun thuốc chỉ ngăn ngừa được một phần thôi, mấu chốt là chặn đà phát sinh, lây lan.
Biết nặng nhọc nhưng không được phép xao nhãng, chậm trễ là hỏng việc ngay. Này nhé, mỗi con bướm cái đẻ bình quân 500 trứng, cá biệt có những con sản sinh đến 1.500 trứng, bao nhiêu trứng tương ứng với bấy nhiêu con. Mức độ đó khi biến thành sâu sẽ rất nguy hiểm, chẳng mấy mà cây sẽ trụi hết lá, lâu dần sẽ chết”.
Theo lời anh Tuân, vừa qua anh em đã tiến hành đặt 14 bộ bẫy đèn ở những điểm “nóng” thuộc địa bàn các xã Nghi Quang, Nghi Xá, Nghi Tiến, Nghi Long. Phạm vi càng trải rộng nguy cơ càng gia tăng, trước mắt phải chú tâm ngăn gia súc phá hoại thiết bị, sau nữa là xử lý những sự cố chập điện có thể xảy ra.
Về mặt chuyên môn, nhất thiết phải cắt cử người theo dõi bẫy đèn để kịp thời vớt số bướm dính lại trên mặt nước, bởi lẽ tiết diện mặt bẫy khá nhỏ, theo anh sáng lớp sau kéo đến chồng lên lớp trước, không dính nước chúng sẽ bay đi, khi đó hóa thành công cốc. Một đợt dụ, bắt bướm như thế thường kéo dài tận 20 ngày.
“Bấy lâu Ban vẫn sử dụng hệ thống đèn tia cực tím để dẫn dụ bướm, tiếp xúc nhiều với ánh đèn khiến thị giác của anh em giảm sút thấy rõ, nhiều người đau mắt kinh niên, thường xuyên phải nhỏ thuốc, đeo kính rất bất tiện. Quá trình làm dù phòng bị đầy đủ nhưng tiếp xúc với lông sâu là dị ứng liền, ngứa ngày, khó chịu vô cùng.
Nghề này đi đêm về hôm như cơm bữa, đặc thù công việc là thế nhưng thực tâm khó ăn khó nói với vợ con. Với tôi ứng phóng với sâu bệnh còn gian nan, vất vả hơn chữa cháy rừng. Cháy rừng diễn ra theo đợt, theo mùa, trong khi sâu bệnh gây hại hiện hữu quanh năm suốt tháng, kể ra chẳng mấy khi được ngơi nghỉ”, anh Tuân trải lòng.
Nguồn: nongnghiep.vn