Báo cáo tại hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì ngày 28/9, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, bão số 3 và hoàn lưu bão có cường độ mạnh gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản trên địa bàn thành phố.
Bão lũ đã làm 4 người chết, 28 người bị thương; gần 100.000 cây bị gãy, đổ; làm tốc mái hơn 3.000 mái tôn; hơn 2.800 gia súc bị chết, 460.000 gia cầm bị chết, thất lạc; 30.000 hộ dân bị ngập lụt nhà ở; hơn 23.000ha lúa bị gãy, đổ, dập nát; hơn 4.000ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Ước thiệt hại ban đầu trong sản xuất nông nghiệp sau bão, lũ là hơn 2.287 tỷ đồng; trong đó trồng trọt là 1.956 tỷ đồng, chăn nuôi là 32 tỷ đồng, thủy sản là 299 tỷ đồng.
Thành phố Hà Nội yêu cầu tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, xây dựng kịch bản, kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó, không lơ là, chủ quan trong mọi tình huống.
Thành phố Hà Nội đã dành 2.566 tỷ đồng để hỗ trợ và khắc phục hậu quả từ cơn bão số 3. Trong đó, 220 tỷ đồng đã được hỗ trợ ngay cho các huyện và đưa vào các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới khoảng 2.346 tỷ đồng.
Hiện nay, thành phố Hà Nội đang nghiêm túc thực hiện chỉ đạo từ Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là theo Nghị quyết số 143/NQ-CP nhằm khắc phục hậu quả bão số 3, ổn định đời sống người dân, phục hồi sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thành phố đang chú trọng thực hiện các giải pháp chống ngập lụt ở những khu vực còn bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, như Chương Mỹ, Mỹ Đức, và Quốc Oai; đồng thời tiếp tục thông tin, tuyên truyền để hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn.
Hà Nội cũng đề nghị các Bộ, ngành nghiên cứu và áp dụng các giải pháp công trình, quy hoạch để tiêu thoát nước cho sông Đáy, cũng như đề xuất các biện pháp ứng phó với lũ lụt tại các huyện thường xuyên bị ảnh hưởng như Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất và Mỹ Đức.
Nguồn: nongnghiep.vn