Trái cây Việt Nam nhiều cơ hội mở rộng thị phần
Trong khuôn khổ Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, chiều 29/9, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT Việt Nam) phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương Việt Nam), Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội Rau quả Việt Nam tổ chức “Diễn đàn giao thương, kết nối chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu trái cây Việt Nam – Trung Quốc”.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) cho biết, hiện nay Việt Nam có 12 loại trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, gồm sầu riêng, xoài, chuối, chanh dây, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm, mít, măng cụt, dưa hấu, dừa.
Trong đó, sầu riêng là ngành hàng mang lại giá trị cao nhất, với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,25 tỷ USD năm 2023. Hiện nay Việt Nam có 611 mã số vùng trồng đủ điều kiện xuát khẩu vào Trung Quốc.
Ông Cố Triệu Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Phân phối nông sản Tân Phát Địa, quận Phong Đài, thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết, nông sản Việt Nam ngày càng nổi bật tại thị trường phía Bắc Trung Quốc. Các loại trái cây của Việt Nam như: Xoài, chuối, thanh long, sầu riêng… được người tiêu dùng ưa thích. Doanh số bán hàng tại phía Bắc Trung Quốc ngày càng tăng qua các năm. Nông sản Việt Nam ngày càng nâng cao chất lượng và đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.
Lãnh đạo Tân Phát Địa cho hay, những năm gần đây Trung Quốc có những yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm, cần đáp ứng yêu cầu kiểm tra, kiểm dịch nghiêm ngặt hơn nữa… Nông sản Việt Nam cũng cần nâng cao chất lượng và đáp ứng những yêu cầu này.
Đời sống của người dân Trung Quốc ngày càng cải thiện cộng với nhu cầu đối với các sản phẩm nông sản chất lượng cao ngày càng gia tăng, nông sản Việt Nam có nhiều cơ hội để mở rộng thị phần tại Trung Quốc, đặc biệt là trái cây Việt Nam với hương vị thơm ngon và đặc biệt.
Doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm
Vừa qua, Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, trái dừa tươi từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Quang Hiếu cho hay, sau khi ký kết, Việt Nam đang triển khai thực hiện Nghị định thư: Xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện đánh giá vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đánh giá điều kiện đáp ứng các quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của Nghị định thư. Tổ chức các hội nghị phổ biến quy định của Nghị định thư. Tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn các yêu cầu kỹ thuật để đảm bảo vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng các quy định của Nghị định thư. Xây dựng tài liệu tập huấn, sách hướng dẫn triển khai các nội dung của Nghị định thư…
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An – Mỹ Bình đề xuất nên xem xét và thúc đẩy Nghị định thư về trái bưởi, đây cũng là một trong những loại trái cây có nhiều tiềm năng của Việt Nam. Ông Huy tin giá trị xuất khẩu bưởi sẽ vượt qua thanh long một cách nhanh chóng nếu mở cửa được thị trường cho mặt hàng này.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group nêu băn khoăn có những Nghị định thư kéo dài nhiều năm mới ký kết được, nhưng có những đơn vị, doanh nghiệp lại làm ảnh hưởng khi không đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, làm ảnh hưởng đến những đơn vị uy tín. “Làm thế nào để bảo vệ thương hiệu quốc gia đối với trái cây Việt Nam nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung”, ông Tùng đặt câu hỏi.
Trả lời cho vấn đề này, Phó Cục trưởng Nguyễn Quang Hiếu cho hay, trong thời gian qua, Cục Bảo vệ Thực vật đã tăng cường nhiều lớp tập huấn, trong đó đưa thêm nội dung về tuân thủ quy định của các thị trường và hậu quả sẽ như thế nào nếu không tuân thủ. Khi doanh nghiệp bị vi phạm sẽ bị các nước gửi cảnh báo về và vi phạm tính theo quốc gia.
Chính vì vậy, ông Hiếu khuyến cáo, doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm trong việc tuân thủ các quy định vì nếu không tuân thủ sẽ gây ra hậu quả cho cả ngành hàng, ảnh hưởng uy tín các doanh nghiệp làm ăn chân chính, uy tín quốc gia; đồng thời ảnh hưởng năng lực cạnh tranh của sản phẩm tại các thị trường.
Tại Diễn đàn, đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác kinh doanh giữa các đơn vị, doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản. Cụ thể, gồm 4 ký kết, đó là ký kết giữa Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam và Công ty Phát triển Tân Hợp Tác Bắc Kinh; Hiệp hội rau quả Việt Nam và Hiệp hội hoa quả Trung Quốc; Tập đoàn T&T Việt Nam và Công ty TNHH Phát triển Khoa học Kỹ thuật Vân Điền Lương Phẩm Bắc Kinh; Tập đoàn T&T Việt Nam và Công ty TNHH Giao diện Thương mại châu Á.
Nguồn: nongnghiep.vn