Nâng cao ý thức cộng đồng
Hàng tháng, xã Đồng Ích (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) đều tổ chức các hội nghị liên quan đến vấn đề thủy lợi mà đặc biệt là công tác triển khai thực hiện dự án nước sạch trên địa bàn. Hoạt động này giúp trao đổi, tháo gỡ những khó khăn của người dân về vấn đề nước sạch trên địa bàn.
Qua hệ thống truyền thanh của xã, của thôn, địa phương đã tuyên truyền cho bà con trong khu vực hiểu hơn về nước sạch. Vận động các hộ ở những khu vực có nước tích cực hỗ trợ cho bà con ở những địa bàn thiếu nước. Bên cạnh đó, ở những khu vực không có nước, địa phương cũng đã cố gắng bơm tạo nước mặt để ngấm dần xuống mạch nước ngầm đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho bà con, tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Thế nhưng đây cũng chỉ là những biện pháp tạm thời để cầm cự qua mùa khô của bà con. Để có thể tạo được sự ổn định lâu dài cho cuộc sống của bà con thì nước sạch nông thôn vẫn là tiêu chí được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, để dự án nước sạch được triển khai một cách thuận lợi thì cần có sự đồng lòng, nhất quán của cộng đồng.
Ông Trần Văn Đức – Chủ tịch UBND xã Đồng Ích cho biết: “Địa bàn có đến 90% người dân đăng ký sử dụng nước sạch nông thôn. Người dân cũng rất ủng hộ dự án nước sạch, hiến đất, hiến đường để đi đường ống dẫn nước. Hầu như không có chuyện tranh chấp trong quá trình giải phóng mặt bằng. Dự kiến đến năm 2024 là người dân có thể sử dụng nước sạch được rồi”.
Nước sạch nông thôn không chỉ là nhu cầu thiết yếu mà còn là yếu tố then chốt trong việc phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Việc cung cấp nước sạch giúp cải thiện sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu bệnh tật và nâng cao năng suất lao động. Hơn nữa, nước sạch hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cung cấp nguồn tưới tiêu cần thiết cho cây trồng, từ đó gia tăng sản lượng và chất lượng nông sản. Đồng thời, nước sạch còn nâng cao chất lượng sống, tạo điều kiện cho giáo dục và phát triển kỹ năng.
Nước sạch cho nông thôn mới
Theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, đến hết năm 2022, cả nước có 18.109 công trình cấp nước nông thôn tập trung, cấp nước cho khoảng 32 triệu người (52% số dân nông thôn), khoảng 48% dân số nông thôn sử dụng nước từ công trình cấp nước hộ gia đình với loại hình cấp nước đa dạng: Giếng khoan (55%); giếng đào (30%); lu, bể chứa nước mưa (8%); thu, trữ và xử lý nước mặt (7%). Tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn khoảng 54%.
Với mục tiêu đến năm 2030, 80% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày. Năm 2045, 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn và bền vững.
Để đạt được những mục tiêu trên, công tác cấp nước nông thôn giai đoạn mới chú trọng việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách phục vụ công tác quản lý nhà nước, quản lý khai thác và cung ứng dịch vụ cấp nước sạch nông thôn an toàn, hiệu quả. Duy trì hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có, củng cố, nâng cao năng lực cho các cơ quan, tổ chức quản lý khai thác chuyên nghiệp, đủ năng lực chuyên môn, kỹ thuật.
Phát triển hệ thống cấp nước tập trung quy mô lớn, liên thôn, liên xã dần thay thế các công trình cấp nước quy mô nhỏ, rất nhỏ… là định hướng chiến lược của Bộ NN-PTNT.
Nguồn: nongnghiep.vn