Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, nếu không có gì bất thường, đỉnh lũ chính vụ năm 2024 đầu nguồn sông Cửu Long dự báo đạt đỉnh vào các ngày từ 29/9 đến 3/10/2024. Theo đó, đỉnh lũ tại trạm Tân Châu dao động ở mức 3,3-3,5 m (mức báo động 1 là 3,5 m, đỉnh lũ năm 2023 là 3,09 m), đỉnh lũ tại trạm Châu Đốc dao động ở mức 3,0-3,2 m (mức báo động 1 là 3,0 m; đỉnh lũ năm 2023 là 2,93 m).
Mực nước lũ nội đồng trong tháng 10 dự báo ở mức thấp trên vùng thượng, cao trên vùng giữa và vùng ven biển ĐBSCL.
Cụ thể, ở vùng thượng, mực nước đỉnh lũ tháng 10 khả năng cao xuất hiện vào các ngày đầu tháng 10, ở xấp xỉ và trên mức báo động 1, thấp hơn đỉnh lũ chính vụ năm 2023. Ở vùng giữa, mực nước đỉnh lũ tháng 10 biến đổi phổ biến ở mức báo động 2 đến báo động 3, một số trạm trên mức báo động 3, thời gian đạt đỉnh vào 18-21/10/2024, cao hơn cùng kỳ năm 2023.
Ở vùng ven biển, mực nước đỉnh lũ tháng 10 rơi vào 18-21/10/2024, mực nước lớn nhất biến đổi phổ biến ở mức báo động 2 đến báo động 3 đối với các trạm thuộc vùng ven biển Đông, và phổ biến từ báo động 2 đến báo động 3 và trên mức báo động 3 đối với các trạm thuộc khu vực ven biển Tây, mực nước phổ biến xấp xỉ và thấp hơn cùng kỳ năm 2023
Với mức lũ chính vụ năm 2024 như trên, về cơ bản hệ thống ô bao, bờ bao trên vùng thượng ĐBSCL vẫn đủ khả năng đáp ứng bảo vệ sản xuất.
Tuy nhiên, do triều cường được dự báo ở mức cao kết hợp mưa cục bộ ngày càng bất thường nên khả năng gây ảnh hưởng ngập úng, ngập triều ở các địa phương thuộc vùng giữa và vùng ven biển ở ĐBSCL là không tránh khỏi, đặc biệt vào các ngày triều cường cao từ 18-21/10/2024. Vì vậy, các tỉnh ở vùng giữa và vùng ven biển cần hết sức lưu ý và gia cố các hệ thống đê bao, bờ bao để ứng phó với triều cường và lũ kết hợp triều cường.
Với mức lũ chính vụ kết hợp kỳ triều cường 18-21/10/2024, trên địa bàn 8 tỉnh vùng ngập lũ thuộc vùng thượng và vùng giữa ĐBSCL, có khoảng 117 ô bao kiểm soát lũ cả năm có nguy cơ bị ảnh hưởng, với tổng diện tích khoảng 23.074 ha. Trong đó, tỉnh Hậu Giang bị ảnh hưởng nhiều nhất gồm có 2 huyện bị ảnh hưởng (92 ô, 18.529 ha), tỉnh Kiên Giang có 1 huyện bị ảnh hưởng (7 ô, 1.249 ha), tỉnh Vĩnh Long có 1 huyện bị ảnh hưởng (18 ô, 3.296 ha).
Đối với các hệ thống thủy lợi (HTTL) thuộc các tỉnh ven biển ĐBSCL, những HTTL khép kín gồm Gò Công, Nhật Tảo – Tân Trụ, Nam Măng Thít, Long Phú – Tiếp Nhật, Ba Rinh – Tà Liêm, cơ bản an toàn ứng với mức lũ và triều như dự báo. Các HTTL khác và các vùng ven sông do chưa khép kín nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn ứng với mức lũ và triều như dự báo do cao trình các ô bao bảo vệ sản xuất bên trong nội đồng ở mức thấp và chưa được đầu tư kiên cố.
Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam lưu ý các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang và Kiên Giang, cần hết sức đề phòng ngập úng do mưa và triều cường. Những tiểu vùng tuy đã có ô bao khép kín nhưng do địa hình thấp, cao trình bờ đê bao ở mức thấp, chân triều cao nên khó khăn trong việc tiêu rút nước dễ xảy ra tình trạng ngập úng khi mưa lớn và triều cường, vì vậy cần đề phòng và có các phương án chủ động ứng phó. Những tiểu vùng chưa khép kín, nguy cơ xảy ra ngập úng ở mức cao hơn so với các tiểu vùng khép kín, vì vậy cần hết sức lưu ý đặc biệt trong trường hợp triều cường cao kết hợp mưa lớn.
Nguồn: nongnghiep.vn