Sau khi tốt nghiệp ngành hướng dẫn viên du lịch ra trường đi làm được 4 tháng, anh Phan Văn Hùng (sinh năm 1985, trú huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng) nhận thấy công việc này không phù hợp với mình. Quyết định từ bỏ, anh bắt đầu thử sức ở nhiều ngành nghề khác nhưng đều không tìm thấy niềm đam mê và sự hài lòng.
Vào năm 2017, tình cờ biết đến cách trồng nấm qua mạng xã hội, anh Hùng bắt đầu mày mò nghiên cứu và bắt tay vào xây dựng trại nấm. Qua một thời gian vừa trồng vừa tích lũy thêm kinh nghiệm, mô hình dần mang lại hiệu quả tốt, anh từng bước mở rộng quy mô sản xuất. Hiện tại, cơ sở sản xuất nấm của anh Hùng rộng 700m2, trồng 3 loại nấm chủ đạo là linh chi, đông trùng hạ thảo và nấm sò.
Theo anh Hùng, tùy theo từng loại nấm sẽ có kỹ thuật trồng khác nhau, trong đó, để nấm phát triển tốt thì phôi nấm có vai trò rất quan trọng. Đối với nấm sò, nguyên liệu chính là mùn cưa cao su được nhập từ Gia Lai, sau đó ủ ít nhất một tháng để hoai và loại bỏ hết chất độc rồi trộn đều với cám bắp, cám gạo theo tỷ lệ 45kg cám bắp, 45kg cám gạo, 1 tấn mùn cưa. Hỗn hợp nguyên liệu này sẽ được chia ra đóng vào bịch phôi tiêu chuẩn 1,2kg/bịch.
“Đối với nấm linh chi, đây là loài nấm dược liệu có giá trị kinh tế cao nhưng khó trồng. Tỷ lệ nguyên liệu là 70kg cám bắp, 70kg cám gạo, 1 tấn mùn cưa. Trong nhà trồng nấm phải giữ nhiệt độ ổn định từ 28 – 30 độ C, độ ẩm 85 – 90% và ánh sáng khuếch tán đều. Thời gian trồng nấm thay đổi tùy theo loại, đối với nấm sò khoảng 30 ngày là có thể thu hoạch, còn nấm linh chi và đông trùng hạ thảo phải mất đến 3 tháng (không tính thời gian đóng phôi và cấy giống vào phôi)”, anh Hùng chia sẻ.
Để đạt hiệu quả cao, anh Hùng cho biết việc chăm sóc nấm phải rất kỹ lưỡng, cần chú ý đến yếu tố dinh dưỡng, độ ẩm trong phôi cho đến khâu ươm trồng. Ví dụ, khi đổ mùn cưa vào bao, nếu không kiểm tra kỹ lưỡng sẽ dễ bị mốc. Đồng thời, luôn phải đảm bảo được nhiệt độ, ánh sáng phù hợp trong trại nhằm giảm nguy cơ bệnh hại. Đặc biệt, giống nấm cần được kiểm tra định kỳ mỗi hai năm để đảm bảo không bị thoái hóa, ảnh hưởng đến năng suất.
Hiện sản phẩm nấm của anh Hùng cung cấp ra thị trường Đà Nẵng với giá 50.000 – 100.000 đồng/kg đối với nấm sò, 1 – 1,2 triệu đồng/kg đối với nấm linh chi, sản xuất ra bao nhiêu cũng tiêu thụ hết. Qua tính toán, sau khi trừ tất cả các chi phí, mỗi năm gia đình anh thu lãi khoảng 400 – 500 triệu đồng và tạo việc làm cho 2 lao động chính và 2 lao động thời vụ tại địa phương với mức tiền công 200.0000 đồng/ngày.
Khi trồng nấm sò và linh chi cho thu nhập ổn định, anh Hùng đã nghiên cứu phương pháp trồng nấm đông trùng hạ thảo. Sau khi trồng thử nghiệm thành công được 2kg loại nấm này, anh đã mạnh dạn đầu tư hơn 120 triệu đồng để xây dựng hệ thống phòng nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo trên diện tích 9m2.
“Đây là loại nấm có giá trị kinh tế cao, giá dao động từ 3 – 6 triệu/kg tuỳ vào chất lượng và thị trường cũng rất chuộng nên mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Không chỉ nấm đông trùng hạ thảo mà hiện nay, nhu cầu sử dụng nấm của người tiêu dùng rất lớn, các khu vực sản xuất nấm ở Đà Nẵng không đủ cung cấp cho thị trường. Vậy nên tôi đang xin phép chính quyền địa phương được sử dụng những khu đất hoang để đầu tư, mở rộng thêm diện tích trồng nấm”, anh Hùng nói.
Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hòa Vang cho biết, mô hình trồng nấm của anh Hùng đạt hiệu quả lớn nhờ mạnh dạn đầu tư, nắm vững kỹ thuật. Thời gian qua, huyện đã hỗ trợ 300 triệu đồng để anh Hùng phát triển mô hình, đầu tư trang thiết bị nâng cao hiệu quả sản xuất nấm.
Nguồn: nongnghiep.vn