Hội đồng quản trị CTCP Hàng tiêu dùng Masan – Masan Consumer (mã MCH) vừa thông qua việc triển khai chuyển giao dịch cổ phiếu từ sàn 4UPCoM sang niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) với mục tiêu nâng cao định giá của cổ phiếu họ Masan như MCH, MSN.
Theo lộ trình, Masan Consumer sẽ tiến hành đăng ký danh sách cổ đông để lập sổ đăng ký với Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), hoàn thiện và nộp hồ sơ niêm yết lên HoSE. Thời gian dự kiến niêm yết là trong năm 2025.
Đáng chú ý, cùng thời điểm, MCH còn công bố nội dung lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, gồm việc tạm ứng cổ tức năm 2024 và chào bán thêm cổ phần ra công chúng cho cổ đông hiện hữu.
Theo đó, Masan Consumer dự kiến tạm ứng cổ tức năm 2024 với tỷ lệ tối đa 100% (tương ứng một cổ phiếu nhận về 10.000 đồng). Vào ngày 26/9 vừa qua, công ty đã chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức năm 2023 (bổ sung) bằng tiền, tỷ lệ thực hiện 168% (một cổ phiếu được nhận 16.800 đồng). Dự kiến chi trả vào 4/10/2024.
Trước đấy, trong giai đoạn tháng 7/2023 và tháng 7/2024, Masan Consumer đã trả hơn 7.100 tỷ đồng thanh toán hai đợt cổ tức năm 2023 bằng tiền, tổng tỷ lệ 100%. Như vậy, tổng tỷ lệ cổ tức cho năm 2023 lên tới 268%.
Với phương án chào bán cổ phiếu, Masan Consumer dự kiến chào bán thêm hơn 326,8 triệu cổ phiếu với giá chào bán 10.000 đồng/cp, thấp hơn 95% so với giá thị trường hiện nay của cổ phiếu MCH là gần 197.000 đồng/cp.
Được biết, lượng chào bán trên tương ứng tỷ lệ thực hiện quyền 45,1% (1.000 cổ phiếu sẽ được mua thêm 451 cổ phiếu mới). Thời gian thực hiện trong năm 2024 hoặc năm 2025, cụ thể do Hội đồng quản trị quyết định, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Nếu phát hành thành công, Masan Consumer sẽ thu về thêm 3.268 tỷ đồng; qua đó tăng vốn điều lệ lên gần 10.624 tỷ đồng. Số tiền huy động được sử dụng để trả nợ vay cho các ngân hàng và tiền thuê văn phòng.
Masan Consumer – Gà đẻ trứng vàng của Masan
Masan Consumer được xem là “đại gia” trong ngành thực phẩm đóng gói và gia vị với tốc độ tăng trưởng cao và lợi nhuận tích cực. Theo một báo cáo gần đây của HSBC, Masan Consumer có tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 15.4%, cao hơn đáng kể so với nhiều công ty cùng ngành trong lĩnh vực FMCG và thực phẩm đóng gói.
Khảo sát của Kantar cho thấy, có tới 98% hộ gia đình Việt Nam sở hữu ít nhất một sản phẩm của Masan Consumer. Trong đó, những thương hiệu hàng tiêu dùng của công ty này đã trở nên quen thuộc với hàng triệu người dân Việt Nam là CHIN-SU, Nam Ngư, Omachi, Kokomi hay Wake-up…
Đáng chú ý, ở cả nông thôn và thành thị, Masan Consumer đều có tệp khách hàng trung thành, sẵn sàng trải nghiệm những sản phẩm mới; qua đó giúp gia tăng doanh số sản phẩm ở nhiều danh mục khác nhau.
Với thị phần lớn cùng tốc độ tăng trưởng vượt trội, Masan Consumer đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Mới đây, Nghị quyết HĐQT của Masan Consumer đã hé lộ hàng loạt các quỹ đầu tư lớn đang nắm giữ cổ phiếu tại doanh nghiệp.
Trong đó, quỹ Albizia Asean Tenggara Fund sở hữu hơn 3,89 triệu cổ phiếu MCH; CTCP Chứng khoán Vietcap sở hữu hơn 2,7 triệu cổ phiếu; quỹ Bill & Melinda Gates Foundation Trust sở hữu hơn 1,04 triệu cổ phiếu…
Nửa đầu năm 2024, Masan Consumer đạt doanh thu thuần gần 14.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế gần 3.500 tỷ đồng, tăng 13%.
Năm 2024, Masan Consumer đặt mục tiêu tiếp tục tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hai con số. Doanh thu thuần dự kiến đạt từ 32.500 tỷ đồng đến 36.000 tỷ đồng. Trọng tâm kế hoạch của doanh nghiệp là sở hữu 6 thương hiệu tỷ USD và đạt 10 – 20% doanh thu từ thị trường toàn cầu, cao cấp hóa sản phẩm và mở rộng phạm vi sản phẩm cho từng thương hiệu…
Nguồn: nongnghiep.vn