Trang trại chăn nuôi gà của gia đình anh Nguyễn Văn Tụy, tổ dân phố Thiết Trung, thị trấn Bá Hiến (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) những ngày qua không ngớt người dân trong vùng tìm tới tham quan, học hỏi kinh nghiệm “trúng quả” nhờ áp dụng kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học.
Anh Tụy phấn khởi cho biết, gia đình có 2 chuồng nuôi gà thịt với diện tích 400m2. Trước đây, chăn nuôi theo phương pháp truyền thống nên đàn gà thường xuyên mắc bệnh, tiêu tốn nhiều công lao động và chi phí mua vật tư phòng trị bệnh.
Năm 2024, anh là một trong rất nhiều hộ được sự hỗ trợ Trung tâm Khuyến nông tỉnh mạnh dạn chuyển hướng chăn nuôi an toàn sinh học. Ban đầu, do chưa thực sự tin tưởng nên anh chỉ áp dụng phương pháp nuôi mới tại chuồng 300m2 với 2.000 gà, chuồng còn lại (100m2) nuôi theo phương pháp cũ.
Theo anh Tụy, chăn nuôi gà an toàn sinh học nghe có vẻ trừu tượng, nhưng kỹ thuật áp dụng lại không hề khó và không khác nhiều so với phương pháp chăn nuôi truyền thống. Điểm khác biệt lớn nhất là người nuôi phải thực sự nghiêm túc, kiên trì, không làm tắt các quy trình kỹ thuật.
Trong đó, thay vì sử dụng nhiều kháng sinh tổng hợp phòng trị bệnh cho gà, tăng cường sử dụng chế phẩm an toàn như tỏi ngâm, men tỏi… để nâng cao sức đề kháng. Dùng chế phẩm sinh học xử lý nền chuồng, phối trộn cùng trấu tạo đệm lót sinh học để giảm bụi bẩn, mùi hôi thối của phân thải.
Việc dùng chế phẩm sinh học, tạo đệm lót sinh học cho chuồng nuôi giúp gia đình không phải thay trấu thường xuyên (xong 1 lứa gà mới phải thay), đàn gà sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, các bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy giảm hẳn; đàn gà sáng mã, đạt cân khi xuất bán. Nếu tính toán chia li, gia đình giảm được 30-40% chi phí mua thuốc kháng sinh và công lao động chữa bệnh cho đàn gà so với trước đây.
“Lứa gà 2.000 con áp dụng kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học vừa xuất bán với giá 52.000 đồng/kg, trừ đi các chi phí có lãi hơn 30 triệu đồng. Sau khi để chuồng nghỉ nửa tháng, xử lý vôi bột, phun thuốc khử trùng, tiêu độc sẽ tiếp tục vào 3.000 gà để đảm bảo nguồn cung dịp cuối năm. Vui nhất là khi áp dụng thuần thục phương pháp mới, công việc chăn nuôi cảm thấy bớt áp lực và tự tin hơn”, anh Tụy cho hay.
Ông Vũ Hoàng Lân, Trưởng Phòng Khuyến nông chăn nuôi, thủy sản (Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc) cho biết: Những năm gần đây, hoạt động chăn nuôi gà của người dân trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển (tổng đàn gà của tỉnh hiện có hơn 11 triệu con), đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, quy mô sản xuất nông hộ, nhỏ lẻ vẫn là chủ yếu, công nghệ xử lý chất thải còn nhiều hạn chế… tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan các loại dịch bệnh và mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, phát triển chăn nuôi theo VietGAP, an toàn sinh học là giải pháp tối ưu để ngăn ngừa rủi ro, tiết kiệm chi phí cho người chăn nuôi.
Trên cơ sở triển khai chương trình khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2025, năm 2024 Trung tâm triển khai mô hình chăn nuôi theo VietGAHP với quy mô 30.000 con gà thương phẩm.
Các hộ tham sẽ được hỗ trợ 50% chi phí giống gà, thức ăn, thuốc thú y, thuốc sát trùng, hỗ trợ 70% chi phí cấp giấy chứng nhận VietGAHP cho cơ sở chăn nuôi là HTX hoặc tổ hợp tác. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi, quản lý, giám sát để người dân nắm vững, chủ động áp dụng trên thực tế hiệu quả.
Theo ông Lân, việc chăn nuôi an toàn sinh học giúp các hộ giữ được đầu con, tiết kiệm chi phí, nâng cao thu nhập, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, để làm được điều này, các hộ phải tuân thủ quy trình, định mức kỹ thuật.
Một tín hiệu đáng mừng là từ khi chương trình được triển khai tới nay, tất cả các hộ tham gia đều có những chuyến biến tích cực, lợi nhuận chăn nuôi không ngừng tăng theo từng năm do đã nắm vững kỹ thuật.
Mặt khác, các hộ nuôi lân cận có mô hình thực tế để đối chứng, so sánh, học hỏi nên khi nhận thấy hiệu quả đã chủ động áp dụng, nhân rộng ngay cả khi không có sự hỗ trợ thường xuyên của cán bộ khuyến nông như giai đoạn đầu.
Nguồn: nongnghiep.vn