Ngày 8/10, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả mưa bão, lũ lụt, việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân và giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, nhà ở xã hội, phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát tại thành phố Hải Phòng.
Phó Thủ tướng và đoàn kiểm tra thực tế việc xây dựng đường cao tốc ven biển, khu vực dự kiến xây dựng Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, cảng Nam Đồ Sơn và chung cư cũ trên địa bàn quận Lê Chân. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đánh giá cao và biểu dương Hải Phòng đã thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của Trung ương, dành nguồn lực khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra, giúp quá trình hồi phục nhanh chóng.
Hải Phòng đã tích cực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là nông thôn mới và phát triển nhà ở xã hội phục vụ việc di dời 41 chung cư cũ, cấp độ D. Tuy vậy, Hải Phòng cần lưu ý ba vấn đề, thứ nhất là tốc độ tăng trưởng chưa đạt mục tiêu hai con số, thứ hai là giải ngân vốn đầu tư công còn thấp và thứ ba là tập trung khắc phục khó khăn thu ngân sách để đạt kế hoạch đề ra.
Thành phố Hải Phòng là một trong những địa phương thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra, ước tính trên 13.000 tỷ đồng, đến nay, thành phố đã huy động trên 1.200 tỷ đồng để khắc phục hậu quả bão.
Dù chịu ảnh hưởng lớn của cơn bão số 3 nhưng kinh tế thành phố Hải Phòng tiếp tục tăng trưởng khá, GRDP 9 tháng đầu năm tăng 9,77%, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 1,78 tỷ đô la Mỹ.
Đến nay, thành phố giải ngân gần 8.900 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 52% kế hoạch và đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện 13 dự án giao thông và đầu tư trọng điểm các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Thành phố Hải Phòng hiện có 14 khu công nghiệp với diện tích 6.101,9 ha, tỷ lệ lấp đầy 65%, tỷ suất đầu tư khoảng 12 triệu USD/ha, hiện nay đang tập trung phát triển thêm 20 khu công nghiệp mới với tổng diện tích hơn 7.000 ha.
Còn về nhà ở xã hội, toàn thành phố Hải Phòng đang có 9 dự án khởi công xây dựng với tổng quy mô khoảng 15.000 căn, dự kiến đến năm 2025 sẽ hoàn thành khoảng 20.800 căn.
Hải Phòng kiến nghị Chính phủ 7 vấn đề để sớm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra và được giao. Thứ nhất là đề xuất đầu tư các dự án: Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, bến cảng Lạch Huyện, 5 khu công nghiệp; thứ hai là xây dựng Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Hải Phòng; thứ là kiến nghị báo cáo Quốc hội thông qua các Đề án, Nghị quyết về phát triển thành phố Hải Phòng.
Về việc hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng, thành phố Hải Phòng đề xuất một số vấn đề như: Gia hạn dự án Casino Đồ Sơn và đầu tư tuyến đường sau cảng Nam Đồ Sơn; nạo vét luồng vào cửa sông Văn Úc và bố trí ngân sách Trung ương cho tỉnh Thái Bình để đầu tư đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng; ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 2 để tăng mức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp vùng bị thiên tai, dịch bệnh.
Các kiến nghị, đề xuất của thành phố Hải Phòng được Phó Thủ tướng ghi nhận và yêu cầu các bộ, ngành tạo điều kiện có hành lang pháp lý để thành phố triển khai. Về đề án về chính quyền đô thị của thành phố, Chính phủ đã trình Quốc hội, đang chờ phê duyệt.
Ông Lê Tiến Châu – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cam kết sẽ nỗ lực hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần XVII, Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị. Những vấn đề mà Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ lưu ý là thách thức lớn nhưng Hải Phòng quyết tâm sẽ không lùi bước.
“Hơn bao giờ hết, Hải Phòng đang cần một cơ chế, chính sách đặc thù, rất mong nhận được sự ủng hộ của Chính phủ, hỗ trợ của Bộ, ngành. Hải Phòng đi sau nhưng học tập được kinh nghiệm của các địa phương đi trước như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng trong việc vận dụng, phát huy cơ chế đặc thù”.
Nguồn: nongnghiep.vn