Từ đầu năm đến nay, Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã thực hiện quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường thường xuyên tại 140 điểm vùng nuôi cá tra. Qua đó, đơn vị nhận định, chất lượng môi trường nguồn nước cấp cho nuôi cá tra có hiện tượng ô nhiễm. Điều này gây ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của thủy sản nuôi và tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện bệnh.
Cũng theo thống kê của Cục Thú y, trong 9 tháng đầu năm 2024, diện tích nuôi cá tra bị dịch bệnh là 260ha. Dịch bệnh xảy ra tại 60 xã, của 20 huyện, thuộc 3 tỉnh: An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long, trên cả cá tra giống và thương phẩm.
Trong đó, cá chủ yếu bị bệnh gan thận mủ (trên 119ha) và xuất huyết (trên 127ha). Ngoài ra, còn khoảng 43ha nuôi cá bị nhiễm một số bệnh khác như vàng da, trắng gan trắng mang, trắng đuôi, phù đầu.
Cục Thú y nhận định, so với cùng kỳ năm 2023, dịch bệnh trên cá tra giảm cả về phạm vi và diện tích. Tuy nhiên, do cá được nuôi theo hình thức ao nuôi hở (nước vào ra và thay nước liên tục, không qua xử lý), bè nuôi sử dụng nguồn nước sông tự nhiên, dẫn đến việc kiểm soát mầm bệnh nước rất khó khăn.
Bên cạnh đó, mật độ thả nuôi của bà con hoặc cơ sở nuôi thường rất cao, khiến nguy cơ phát sinh dịch bệnh luôn hiện diện.
Vừa qua, Cục Thú y đã thực hiện giám sát 105 mẫu (gồm 69 mẫu cá tra, 36 mẫu gộp bùn và nước) tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long. Kết quả cho thấy, có 3 mẫu dương tính với bệnh xuất huyết; 100% mẫu âm tính với bệnh gan thận mủ. Cơ quan thú y đã thực hiện kháng sinh đồ, để hướng dẫn các địa phương và cơ sở điều trị bệnh tại các ao dương tính.
Trong năm 2025, Cục Thú y đề nghị các địa phương, cần tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm cá tra mắc bệnh, chết để xử lý kịp thời. Trường hợp cá bị chết nhiều, bất thường với tỷ lệ cao, cần lấy mẫu gửi xét nghiệm để xác định nguyên nhân.
Đối với hộ nuôi, cơ quan chuyên môn khuyến cáo bà con cần tuyệt đối tuân thủ quy trình nuôi, mật độ thả giống, xử lý nước thải, chất thải và tăng cường chế độ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho cá. Bên cạnh đó, khuyến khích bà con sử dụng vacxin phòng bệnh cho cá nhằm hạn chế lạm dụng kháng sinh.
10 năm qua, kể từ giai đoạn 2014 – 2023, Bộ NN-PTNT đã triển 29 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nghiên cứu về tác nhân gây bệnh, phương pháp phát hiện, giải pháp phòng trị bệnh, vacxin, chế phẩm sinh học phòng bệnh, nâng cao sức đề kháng của thủy sản nuôi.
Trong đó, một số nghiên cứu đã đề xuất và ứng dụng các biện pháp phòng chống bệnh hiệu quả. Như, quy trình tạo vacxin tái tổ hợp phòng bệnh trên cá tra; vacxin nhược độc phòng bệnh gan thận mủ cá tra; giải pháp phòng trị bệnh trắng đuôi, thối đuôi trên cá tra…
Đến nay, Cục Thú y đã cấp phép lưu hành 6 sản phẩm vacxin cho các doanh nghiệp. Trong đó, có 2 sản phẩm phòng bệnh cho cá tra. Ngoài ra, nhiều đơn vị nghiên cứu đã và đang tiến hành các đề tài phát triển vacxin phòng bệnh trên cá tra.
Những nghiên cứu này sẽ góp phần tạo ra các phương pháp chẩn đoán nhanh và chính xác dịch bệnh trên cá tra. Đồng thời, giảm thiểu sự lây lan của các dịch bệnh nguy hiểm, giảm phụ thuộc vào việc sử dụng kháng sinh. Điều này giúp cải thiện chất lượng sản phẩm thủy sản, tăng tính cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đến nay, Cục Thủy sản đã cấp 1.109/1.286 giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản đối với cá tra, đạt 87%, cao nhất trong các loại thủy sản nuôi.
9 tháng đầu năm 2024, sản lượng cá tra Việt Nam đạt 1,3 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu khoảng 1,3 tỷ USD.
Nguồn: nongnghiep.vn