Người ta thường nghĩ cứ làm nông là nghèo, tuy nhiên điều đó chỉ đúng với sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, không áp dụng khoa học công nghệ. Xác định được vấn đề cốt lõi đó, UBND huyện Ứng Hòa ngày 20/7/2020 đã ban hành quyết định số 3534 về việc phê duyệt đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp huyện Ứng Hòa theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả bền vững giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”; ngày 9/4/2021 đã ban hành quyết định số 1270 về “Quy định cơ chế hỗ trợ khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả bền vững trên địa bàn huyện Ứng Hoà, giai đoạn 2021-2025”. Nhờ đó mà nông nghiệp, nông dân, nông thôn của huyện Ứng Hòa dần đã khởi sắc.
Theo Hội Nông dân huyện Ứng Hòa, tổng số hộ sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi được phân loại theo thu nhập trong giai đoạn năm 2021-2023 có 12.765 lượt hộ đạt từ 150 đến 200 triệu đồng/năm; 11.698 lượt hộ đạt từ 200 đến 250 triệu đồng/năm; 492 lượt hộ đạt trên 300 triệu; 136 lượt hộ đạt từ 350 đến 500 triệu đồng/năm. Các cấp hội đã chú trọng tuyên truyền, giáo dục hội viên, nông dân học tập nâng cao kiến thức; đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật; vận động, hướng dẫn tiếp cận với sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, chuyển số để nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị kinh tế, góp phần phát triển nông nghiệp sinh thái và xây dựng nông thôn mới.
Từ năm 2021-2023 trên địa bàn các xã, thị trấn thành lập được 7 hợp tác xã với 122 thành viên và 225 tổ hợp tác với 1452 thành viên. Một số hợp tác xã hoạt động hiệu quả như HTX dịch vụ Minh Quân chế biến cá rô đồng ở xã Đội Bình với 14 thành viên sau một năm trừ chi phí lãi trên 1 tỷ đồng; HTX Nuôi trồng thủy sản và dịch vụ tổng hợp xã Đồng Tân với 43 thành viên sau một năm trừ chi phí lãi trên 1,2-1,5 tỷ đồng…
Các tổ hợp tác, hợp tác xã đã và đang hoạt động góp phần phát triển kinh tế tập thể ở địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của nông dân. Nông dân SXKD giỏi đã tham gia ngày càng nhiều vào việc xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn gồm hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp, trang trại, nhóm hộ liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm…
Chuyển đổi cơ cấu để xây dựng nông thôn mới
Nông nghiệp Ứng Hòa trong thời gian gần đây đã chứng kiến sự chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi để hình thành nên các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, quy mô lớn, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và công nghệ cao vào sản xuất, giúp tăng giá trị kinh tế, xây dựng các chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Những tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi xuất hiện mỗi lúc một nhiều như hộ bà Nguyễn Thị Hoa chăn nuôi lợn và kinh doanh dịch vụ tổng hợp ở xã Sơn Công, hộ ông Nguyễn Văn Thanh chăn nuôi lợn ở xã Vạn Thái, hộ ông Ngô Văn Hồng trồng dưa lưới ở xã Viên Nội, hộ ông Đoàn Văn Mười chăn nuôi gà đẻ ở xã Đông Lỗ, hộ ông Nhữ Tiến Sỹ kinh doanh, chế biến sản phẩm gỗ ở xã Lưu Hoàng…
Từ thực trạng một số nông dân chán ruộng, bỏ ruộng, huyện đã tuyên truyền, vận động những cá nhân có điều kiện tích tụ đất lại để cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Kết quả năm 2024 có 282 ha ruộng bỏ không đã được hồi sinh với nhiều mô hình như cấy lúa, trồng sen lấy hoa, lấy hạt hay trồng cây dược liệu…tạo ra giá trị kinh tế cao cũng như bảo đảm công ăn việc làm cho các đối tượng người trung, cao tuổi. Có thể kể đến mô hình trồng sen của ông Nguyễn Văn Tân ở thôn Đặng Giang; mô hình cánh đồng mẫu lớn cấy lúa của ông Đào Văn Bộ ở thôn An Phú và của bà Đỗ Thanh Huyền ở thôn Dư Xá của xã Hoà Phú. Những mô hình này sẽ còn phát triển mạnh hơn nếu được hỗ trợ đường giao thông nội đồng, đường điện, hệ thống thuỷ lợi phục vụ cho việc tưới tiêu, cũng như được vay vốn ưu đãi để xây dựng xưởng sơ chế, chế biến, làm thương hiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Muốn trở thành nông dân hiện đại thì điều kiện tiên quyết là phải có kiến thức. Trong thời gian qua đã có 87.325 lượt nông dân của huyện Ứng Hòa được tham gia vào các hoạt động khuyến công, khuyến nông; được tập huấn và chuyển giao khoa học công nghệ. Ngoài học về kỹ thuật họ còn được học cách sử dụng mạng xã hội để khai thác thông tin thị trường, giá cả cũng như việc lập các gian hàng online để kết nối, giao thương, bán hàng. Các xã, thị trấn đã trực tiếp và phối hợp đào tạo nghề cho 2.987 nông dân, sau đào tạo nghề có 2.876 người đã có việc làm, thu nhập ổn định, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao năng suất lao động góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống ở địa phương.
Sau khi tổ chức cho nông dân học nghề, các cấp hội đã hướng dẫn họ cách thức mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường; giải quyết nhu cầu vay vốn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp. Thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng người nông dân Hà Nội “Thanh lịch-Văn minh” với 5 tiêu chuẩn “Thanh lịch – Hiểu biết- Năng động- Nghĩa tình – Kỷ cương” và thực hiện tốt cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, tiêu dùng và bán ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp an toàn”; tích cực tham gia đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.
Tất cả những thứ đó đã góp phần tích cực thực hiện chương trình 04 của thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”. Góp phần vào kết quả chung của chương trình xây dựng nông thôn mới của Ứng Hòa. Để đến nay, toàn huyện đã có 29/29 xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 9 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.
Hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại để tiêu thụ nông sản cho nông dân được huyện Ứng Hòa quan tâm đẩy mạnh thông qua những cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các hội nghị xúc tiến thương mại, festival, hội chợ triển lãm nông nghiệp-thương mại của thành phố Hà Nội.
Nguồn: nongnghiep.vn