Theo Quyết định 895/QĐ-TTg ban hành ngày 24/8, những vườn quốc gia mới đều được chuyển hạng từ khu dự trữ thiên nhiên. Đó là Mường Nhé (Điện Biên), Bát Xát (Lào Cai), Xuân Liên (Thanh Hóa), An Toàn (Bình Định), Bắc Hướng Hóa, Đắk Rông (Quảng Trị), Ea Sô (Đắk Lắk).
Như vậy, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia định hướng xây dựng tổng cộng 41 vườn quốc gia trên cả nước, tập trung chủ yếu tại Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (12 vườn), Trung du và Miền núi phía Bắc, Tây Nguyên (cùng 8 vườn).
Căn cứ Luật Đa dạng sinh học 2008, Việt Nam hiện có 4 loại khu bảo tồn thiên nhiên, đó là vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài – sinh cảnh và khu bảo vệ cảnh quan.
Tiêu chí phân cấp khu bảo tồn dựa trên mức độ đa dạng sinh học, giá trị đa dạng sinh học, quy mô diện tích, khu bảo tồn được phân thành cấp quốc gia và cấp tỉnh để có chính sách quản lý, đầu tư phù hợp.
Điểm khác biệt của vườn quốc gia, cấp cao nhất trong hệ thống phân hạng khu bảo tồn, so với các hạng còn lại, đó là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (IUCN).
Ngoài ra, khi được công nhận vườn quốc gia, khu bảo tồn sẽ có nhiều điều kiện hơn để thu hút đầu tư vào các giá trị du lịch sinh thái, cảnh quan.
Một trong những khu dự trữ thiên nhiên sắp được chuyển hạng đến năm 2030 – Xuân Liên – đã lên kế hoạch từ cách đây vài năm, đồng thời xây dựng các phương án để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh sau khi chuyển hạng.
“Việc chuyển hạng thành Vườn quốc gia Xuân Liên sẽ góp phần nâng cao công tác bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, giá trị đa dạng sinh học, các loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu nơi đây”, ông Phạm Anh Tám, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên cho biết.
Bên cạnh 4 loại khu bảo tồn thiên nhiên, theo Luật Đa dạng sinh học, các khu rừng đặc dụng tại Việt Nam còn 3 phân loại nữa. Căn cứ Luật Lâm nghiệp 2017, nước ta còn có khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; vườn thực vật quốc gia và rừng giống quốc gia.
Luật Lâm nghiệp coi nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ chính được tiến hành tại rừng đặc dụng, cùng với bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh…
Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học là một nội dung được quy định trong quy hoạch lâm nghiệp. Theo quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Việt Nam có thêm 9 khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học.
Đặc biệt, quy hoạch lâm nghiệp còn thành lập 3 khu bảo vệ cảnh quan, có ý nghĩa to lớn về lịch sử, văn hóa của đất nước. Bao gồm: Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, diện tích 269ha tại huyện Phù Yên, Sơn La; đền thờ vua Lê Thái Tông, diện tích 16ha tại TP Sơn La và khu di tích Bộ chỉ huy Miền Tà Thiết, diện tích 517ha tại huyện Lộc Ninh, Bình Phước.
Định hướng đến năm 2030, Việt Nam có tổng cộng 225 khu rừng đặc dụng, trong đó có 41 vườn quốc gia và 30 khu được thành lập mới. Tổng diện tích được quy hoạch là gần 2,65 triệu ha, cao hơn hiện trạng gần 200.000ha.
Một số khu rừng tăng diện tích lớn, chẳng hạn Phú Quốc gần 29.000ha (gần 100%), Kon Chư Răng hơn 23.000ha (gần 150%), Hoàng Liên Văn Bàn tăng 20.000ha (hơn 80%), Cát Tiên hơn 11.000ha (hơn 15%), Mường Nhé gần 10.000ha (gần 30%).
“Quy hoạch lâm nghiệp, ẩn sau đó là giá trị của con người, của cộng đồng”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nói trong buổi công bố quy hoạch lâm nghiệp quốc gia. Ông cũng đề nghị địa phương cần tư duy linh hoạt làm sao để phát huy hết những giá trị đa dụng của rừng.
Nguồn: nongnghiep.vn