Qua chuyến thăm Ai-len hồi đầu tháng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc lại đề xuất Ai-len hỗ trợ Việt Nam các mô hình hợp tác xã, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi – một trong những lĩnh vực cần cấu trúc lại, chuyển đổi từ mô hình nhỏ lẻ sang mô hình có tính chất kinh tế tập thể.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam cũng tham gia tích cực vào hệ thống lương thực, thực phẩm của thế giới, chuyển đổi theo xu thế nông nghiệp xanh của nền kinh tế xanh. Theo đó, Việt Nam mong muốn sự hợp tác và chia sẻ về nguồn lực, cũng như tư vấn kỹ thuật thông qua những mô hình đã hợp tác tốt trong giai đoạn vừa qua, nhất là trong lĩnh vực thú y, nghiên cứu vacxin, chăn nuôi…
Bà Pippa Hackett, Quốc Vụ khanh Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng hải Ireland nhìn nhận Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong thời gian qua, giúp nâng cao đời sống và thu nhập của người dân, trong đó, ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng.
Bà Hackett mong muốn hai Bộ có thể tăng cường và làm sâu sắc thêm hợp tác, đặc biệt trong hợp tác thực phẩm nông nghiệp trên tinh thần Bản ghi nhớ đươc hai bên ký kết trước đó.
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp Ai-len, quan hệ đối tác về nông nghiệp và thực phẩm giữa Ai-len và Việt Nam đã đạt được những thành tựu trong các hoạt động như chăn nuôi bền vững, an toàn thực phẩm, tăng cường quản lý chất lượng, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, các hoạt động chăn nuôi có tính chống chịu trước biến đổi khí hậu, dinh dưỡng… Theo đó, đây là những nội dung Ai-len mong muốn hai bên tiếp tục thúc đẩy.
Bên cạnh đó, Đại sứ quán Ai-len đã xây dựng chương trình, chiến lược hợp tác với Việt Nam trong những lĩnh vực cụ thể như giảm nghèo, tăng cường khả năng chống chịu trước khí hậu, vấn đề dân tộc thiểu số và khu vực nông thôn, trong đó lồng ghép các yếu tố mang tính đổi mới sáng tạo.
Bà Pippa Hackett cũng bày tỏ sự cảm kích trước sự hỗ trợ của Bộ NN-PTNT về chứng chỉ sức khỏe thú y, cho phép nhập khẩu các sản phẩm thú cưng của Ai-len vào Việt Nam. Với đà này, bà mong muốn các nông phẩm khác của Ai-len sẽ thuận lợi tiếp cận thị trường Việt Nam, trong đó có sản phẩm thịt bò, lợn sống, thịt gia cầm cũng như các loại protein động vật đã qua chế biến,…
Phía Ireland cũng đề xuất làm việc với Việt Nam trong Chương trình kinh tế sinh học, kinh tế tuần hoàn từ đó tạo ra giá trị gia tăng cho ngành kinh tế nông nghiệp Việt Nam và đóng góp vào nền kinh tế thế giới.
Trước các đề xuất từ phía Ai-len, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ đã thành lập một nhóm công tác xử lý các vấn đề liên quan đến EU, giải quyết những hồ sơ tồn đọng trong việc xuất khẩu sang Việt Nam.
Trong chuyến công tác tháp tùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam đến Ai-len, Bộ NN-PTNT đã ký Biên bản ghi nhớ với Bộ Nông nghiệp, Thực phầm và Hàng hải Ai-len về hợp tác Việt Nam và Ai-len trong chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm. Điều này ghi nhận Chính phủ hai nước ưu tiên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Bộ trưởng đề nghị Ai-len (là một thành viên của EU) sẽ tiếp tục hỗ trợ trong tăng cường năng lực đội ngũ các chuyên gia trong các lĩnh vực như kiểm dịch thực vật, động vật để tránh vướng mắc trong vấn đề kỹ thuật.
Bộ trưởng cũng đề nghị, Ai-len tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam, với thế mạnh về bò, bò sữa. Phía Việt Nam sẵn sàng đón nhận các cơ hội hợp tác đầu tư với những lĩnh vực nông nghiệp Ai-len có thế mạnh.
Bộ trưởng cho rằng cần có lộ trình cụ thể thông qua các bản ghi nhớ, chương trình hợp tác để triển khai các vấn đề cần giải quyết và các dự định hợp tác trong tương lai.
Nguồn: nongnghiep.vn