Năm 2020, tỉnh Quảng Nam hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, đặc biệt là sạt lở đất. Bên cạnh những thiệt hại thương tâm về người thì nhiều cơ sở hạ tầng, đường sá của tỉnh này cũng bị hư hỏng nặng. Tại huyện miền núi Phước Sơn, sạt lở đã khiến cho các tuyến đường nối vào các xã Phước Công, Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc bị tàn phá gần như toàn bộ.
Để khắc phục hậu quả, năm 2021, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt đầu tư xây dựng công trình khôi phục, tái thiết các tuyến đường ĐH1, ĐH2 và ĐH5 đi vào 4 xã nói trên. Trong đó, ĐH1 (đoạn xã Phước Kim đến xã Phước Thành) dài hơn 13 km, tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng; Tuyến ĐH5 (đoạn từ xã Phước Công đi xã Phước Lộc) dài gần 10 km, tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng; Tuyến ĐH2 (đoạn từ xã Phước Thành đi Phước Lộc), gần 10 km, tổng mức đầu tư 152 tỷ đồng.
Các dự án này đều do UBND huyện Phước Sơn làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ năm 2022 – 2025. Người dân địa phương đều mong muốn các tuyến đường này nhanh chóng thi công hoàn thiện để việc đi lại được thuận tiện, an toàn hơn. Thế nhưng đến nay dù đã gần hết thời gian dự kiến hoàn thành nhưng nhiều khu vực vẫn còn dang dở, một số đoạn hầu như chưa được khắc phục, sửa chữa.
Trên tuyến ĐH5 đoạn từ Cầu Khỉ lên cầu Nước Mắt, nhiều tảng đá lớn nằm ngay sát lề đường, cản tầm nhìn của người tham gia giao thông. Để đi qua, các loại phương tiện phải luồn lách tránh né. Đoạn đường từ xã Phước Lộc qua Phước Thành chưa được khắc phục hoặc khắc phục dang dở. Trong khi đó, đoạn đường đi qua khu vực Đồi Chim của xã Phước Kim chưa triển khai thi công.
Anh Hồ Văn Phước (trú xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn) cho biết, các tuyến đường về trung tâm huyện hư hỏng nên người dân đi lại rất vất vả. “Thi công lâu rồi mà nhiều đoạn vẫn chưa hoàn thành. Mùa nắng thì còn đỡ chứ bây giờ đã bước vào mùa mưa bão rồi, mỗi khi mưa lớn, chúng tôi không dám di chuyển trên những con đường này vì vẫn lo sợ sạt lở”.
Ông Hồ Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lộc cũng thừa nhận, sau đợt sạt lở vào cuối năm 2020, đến nay giao thông rất khó khăn do việc khắc phục chậm trễ. Trước thực tế này, chính quyền xã đã nhiều lần có ý kiến lên huyện để thúc đẩy các nhà thầu thi công khẩn trương, nhưng đến nay tất cả vẫn rất chậm.
“Để đảm bảo an toàn, khi có mưa bão, chính quyền xã phải họp dân để tuyên truyền vận động bà con không đi lại trên các tuyến đường dễ xảy ra sạt lở, lũ ống. Chỉ cần mưa kéo dài, sạt lở xảy ra là các xã vùng cao bị cô lập. Chính quyền cũng như người dân rất mong mỏi các tuyến đường sớm hoàn thành để yên tâm đi lại”, ông Long nói.
Nói về nguyên nhân việc khắc phục các tuyến đường triển khai chậm, Ban Quản lý dự án huyện Phước Sơn lý giải rằng, các dự án này không được đưa vào dạng dự án cấp thiết nên buộc phải tiến hành đầy đủ thủ tục liên quan rồi mới thi công. Vì vậy, kể từ cuối năm 2020, khi các tuyến đường đã bị hư hỏng, phải gần 1 năm sau mới đầy đủ thủ tục.
Bên cạnh đó, các nhà thầu tham gia dự án thực hiện không đảm bảo theo hồ sơ dự thầu; cố tình kéo dài, không triển khai thi công theo hợp đồng. Ngoài ra, các đơn vị thi công có văn bản gửi UBND huyện Phước Sơn với lý do vật liệu khan hiếm, giá tăng quá cao so với hợp đồng ban đầu dẫn đến chậm trễ.
Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, do năng lực một số nhà thầu tham gia các dự án này chưa tốt khiến việc thi công ì ạch. “Vừa rồi, chúng tôi cũng đã làm việc với các nhà thầu, đơn vị thi công. Sau đó cũng có sự chuyển biến khi nhà thầu đã tập trung đưa máy móc, nhân lực để làm.
Đối với tuyến ĐH5 sẽ hết hợp đồng vào ngày 31/12/2024. Mặc dù vậy, với thực trạng như hiện nay thì khó mà hoàn thành như dự kiến. Nếu mạnh tay với các nhà thầu, đơn vị thi công thì phải đi đấu thầu lại từ đầu nên không biết khi nào mới có đường cho dân đi”, ông Trung nói.
Nguồn: nongnghiep.vn