Ngày 15/10, Văn phòng Liên hợp quốc về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai (UNDRR) phối hợp với Chính phủ Philippines khai mạc Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm 2024 (APMCDRR).
Đoàn công tác Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn có Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận cùng đại diện các đơn vị liên quan thuộc Bộ NN-PTNT.
APMCDRR năm 2024 là Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 10, với chủ đề chính là “Hướng tới năm 2030: Tăng cường tham vọng đẩy nhanh tiến trình giảm thiểu rủi ro thiên tai trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương”. Gần 3.000 đại biểu từ 39 quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương tham gia Hội nghị Bộ trưởng qua hình thức trực tiếp.
Trong chương trình kéo dài 4 ngày, các đại biểu sẽ thảo luận các vấn đề chính, gồm các giải pháp thực tiễn để tăng cường tài chính cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai; không để ai bị bỏ lại phía sau; quản trị rủi ro thiên tai đáp ứng công bằng giới và bao trùm; địa phương hóa và khả năng chống chịu của đô thị và nông thôn.
Trong bài phát biểu tại phiên toàn thể Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã chia sẻ về những ảnh hưởng của cơn bão Yagi mới quét qua Việt Nam vào tháng 9 và những nỗ lực của cộng đồng quốc tế giúp Việt Nam khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Thay mặt lực lượng quản lý thiên tai Việt Nam, Thứ trưởng trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã luôn đồng hành và chia sẻ khó khăn với Việt Nam trong những thời điểm thiên tai nghiêm trọng.
Thứ trưởng khẳng định, cá nhân ông và Bộ NN-PTNT đến Hội nghị với tâm thế nỗ lực học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam còn chưa phục hồi sau bão.
“Việt Nam đang nỗ lực kết nối với các quốc gia trong khu vực không chỉ để tìm kiếm sự đồng hành trong sự nghiệp giảm nhẹ rủi ro thiên tai mà còn tìm kiếm một tiếng nói chung về hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho khu vực, cho toàn cầu”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ NN-PTNT chia sẻ về hai lĩnh vực ưu tiên chính trong công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Trong đó, ưu tiên tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng, đặc biệt ưu tiên các khu vực dễ bị tổn thương đặc biệt là trẻ em. Nhiệm vụ cốt yếu khác là tăng cường hạ tầng chống chịu rủi ro thiên tai, trong đó đặc biệt lưu ý về các hệ thống dự báo, cảnh báo sớm.
Thứ trưởng hy vọng Việt Nam và khu vực Đông Nam Á sẽ sớm tiến tới đạt được các mục tiêu của Khung Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm 2030.
Việt Nam tiếp tục cam kết thúc đẩy các hoạt động trong khu vực ASEAN như tăng cường các hành động sớm trong quản lý thiên tai nhằm đảm bảo “Tuyên bố Hạ Long” năm 2023 của các Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai sẽ đạt được kết quả tích cực.
Là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, với sự hỗ trợ của các cơ quan Liên hợp quốc và các đối tác phát triển trong nước, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ những điển hình tốt, những bài học kinh nghiệm rút ra sau những đợt thiên tai lớn để giúp các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và các khu vực khác có thể ứng phó hiệu quả với các thiên tai tương tự.
Về đề xuất tới UNDRR, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, Liên hợp quốc, các tổ chức phát triển, các quỹ liên quan về biến đổi khí hậu – thiên tai… cần ưu tiên hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương có thêm cơ hội tiếp cận các nguồn lực về tài chính để có thể hình thành các chương trình, dự án hữu ích cho việc trao quyền cho thế hệ tương lai, tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng dễ bị tổn thương trước tác động ngày càng gia tăng của thiên tai và biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: “Thiên tai dự kiến ngày càng khốc liệt và tần suất ngày càng nhiều, đòi hỏi con người càng phải đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau để có thể vững vàng hơn trước thiên tai”.
Nguồn: nongnghiep.vn