Để người dân biết và tự phòng
Tỉnh Cà Mau chịu thiệt hại nặng nề bởi các loại hình thiên tai. Bên cạnh sạt lở đất, các loại hình thời tiết cực đoan cũng gây nhiều thiệt hại cho người dân địa phương. Hằng năm, cứ đến mùa mưa tình hình sạt lở bờ sông tại huyện Năm Căn, Cà Mau lại diễn ra phức tạp. Toàn huyện hiện có 65 đoạn bờ sông có nguy cơ sạt lở cao, với tổng chiều dài gần 100km.
Điểm nóng sạt lở bờ sông của huyện Năm Căn nằm ven tuyến kênh Đầu Chà – Biện Trượng, thuộc xã Lâm Hải. Vừa qua, 1 vụ sạt lở xảy ra làm chia cắt giao thông đường bộ. Vụ sạt lở cũng làm nhà của gia đình ông Đinh Văn Ngon trôi theo dòng nước.
“Khoảng 15 năm trước sông này rất nhỏ, nhà tôi cất ngoài mé sông. Lở miết, mấy năm trước sạt lở đến cận nhà nên địa phương đến khuyến cáo và tôi đã dời nhà 1 lần rồi. Vừa qua, sạt lở vào sâu, kéo sập cả nhà xuống sông, chính quyền xã đến động viên cất nhà vào hẳn sâu bên trong. Tôi thấy nguy hiểm quá, vào luôn đất vuông nhà cất, đi làm mệt nhọc về ngủ nghỉ yên lòng”, ông Ngon nói.
Ông Lê Văn Sin, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Năm Căn cho biết, trước khi vào mùa mưa bão hằng năm, công tác truyền tải thông tin dự báo, cảnh báo sớm các vị trí sạt lở sẽ được quan tâm thực hiện. Đối với các tuyến lộ, bờ bao có nguy cơ sạt lở cao sẽ huy động các lực lượng liên quan hỗ trợ người dân gia cố, khắc phục. Bên cạnh đó, các tuyến kênh khó khắc phục về lâu dài, sẽ vận động người dân di dời nhà cửa vào sâu bên trong.
“Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện luôn xác định, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống sạt lở cho người dân là đặc biệt quan trọng. Đối với khu vực đông dân có nguy cơ sạt lở mà chưa thể di dời thì khuyến cáo người dân không chất chứa vật nặng, không để người già, phụ nữ và trẻ em ngủ nghỉ qua đêm. Chúng tôi chỉ dẫn ra những dấu hiệu, nguy cơ sạt lở để người dân biết để phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại”, ông Sin chia sẻ.
Chung tay tỏa rộng cánh rừng
Vào cuối tháng 8 vừa qua, Tỉnh đoàn Cà Mau phối hợp cùng Trung tâm Truyền thông Tài nguyên – Môi trường (Bộ Tài nguyên – Môi trường) cùng nhà tài trợ trồng 120.000 cây mắm ở khu vực ven biển xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Khu vực trồng cây trước đây bị sạt lở nghiêm trọng làm mất hết rừng phòng hộ. Tỉnh Cà Mau đã làm kè tạo bãi bên ngoài, từ đó bãi bồi dần được khôi phục lại. Hàng trăm đoàn viên cùng các lực lượng chức năng tỉnh Cà Mau tham gia chương trình đã chung tay trồng rừng, để hướng tới phủ xanh lại bãi bồi.
Chị Phan Yến Trinh, đoàn viên xã Khánh Bình Tây cho biết: “Biến đổi khí hậu, sạt lở đê biển Tây ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân. Nhà em ở đây nên hiểu được khó khăn, lo lắng của bà con khi dông bão đến. Việc trồng cây chống sạt lở, góp phần bảo vệ đê biển Tây rất có ý nghĩa vì vừa chống được sạt lở, còn góp phần bảo vệ môi trường. Em rất vui vì được đồng hàng, góp công sức của mình để bảo vệ địa phương mình và vì một Việt Nam xanh”.
Vào năm 2019, khu vực bãi bồi phía bờ Bắc cửa biển Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây), UBND tỉnh Cà Mau cũng đã phối hợp tổ chức chương trình trồng cây mắm, để giữ bãi bồi. Đến nay, một phần diện tích rừng ở khu vực này đã lên khá cao, giúp tái tạo rừng phòng hộ ven biển.
Ông Nguyễn Văn Vãng, Trưởng ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây cho biết: “Tại địa phương cứ vài năm lại có chương trình trồng cây được thực hiện. Có rừng, người dân cũng yên lòng hơn, bởi khu vực này thường xuyên bị ảnh hưởng của sóng to gió lớn. Vào mùa mưa bão năm 2019, đê biển cao gần 4m nhưng sóng biển vẫn tràn qua. Bà con ở địa phương đã cảm nhận được sự tàn phá dữ dội của thiên nhiên nên ngày càng có ý thức, chung tay bảo vệ rừng là lá chắn vững trắc trước sóng gió”.
Ấm êm trong những ngôi nhà “chống chịu bão lụt”
U Minh là một trong những huyện được thụ hưởng từ Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” tại tỉnh Cà Mau do Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) tài trợ không hoàn lại thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).
Dự án GCF đã hỗ trợ 130 hộ nghèo sinh sống ven biển của huyện U Minh xây dựng nhà chống chịu bão, lụt. Người dân sẽ chọn để xây dựng mẫu nhà 3A hoặc 5A. Mẫu nhà 3A, trị giá 80 triệu đồng, trong đó, vốn dự án hỗ trợ 40 triệu, tỉnh trích ngân sách hỗ trợ 40 triệu đồng; còn mẫu nhà 5A trị giá từ 105 – 135 triệu đồng, trong đó, vốn dự án hỗ trợ 40 triệu, tỉnh trích ngân sách hỗ trợ 40 triệu đồng, phần còn lại người dân đối ứng thêm từ 25 – 55 triệu đồng.
Gia đình bà Đỗ Thị Ảnh (ở ấp 15, xã Khánh Lâm, huyện U Minh) đã đưa vào sử dụng căn nhà trị giá 135 triệu đồng do dự án GCF hỗ trợ xây dựng.
“Tôi thuộc diện hộ nghèo, không đất sản xuất, hai vợ chồng đi làm thuê kiếm sống. Trước đây, nhà tạm bợ, giột nát nên luôn ước ao có được ngôi nhà cơ bản để an cư. Nếu không được hỗ trợ từ dự án thì gia đình tôi không biết chừng nào mới có được cái nhà xây mà ở. Ở đây gần biển, hay có dông lốc, nhà bà con rất dễ bị tốc mái, giờ tôi không lo vấn đề này nữa rồi”, bà Ảnh chia sẻ.
Ông Lê Hồng Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh cho biết, quá trình đã qua, Ban chỉ đạo của tỉnh và tổ chuyên viên của dự án GCF đã hỗ trợ rất nhiều để huyện hoàn thành đưa vào sử dụng tất cả 130 căn nhà, đúng thiết kế và hoàn thành trước so với kế hoạch đề ra là tháng 6/2024. Bước đầu, các công trình đã phát huy được hiệu quả tích cực, giúp cho bà con ổn định cuộc sống, có khả năng chống chịu với tình hình thời tiết phức tạp hiện nay. Dự án cũng đã góp phần rất là lớn cho chương trình giảm nghèo của huyện, cũng như công tác xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn.
Nguồn: nongnghiep.vn