Trọng tâm, cử tri kiến nghị làm rõ một số vấn đề liên quan chính sách đầu tư, hỗ trợ các hợp tác xã, nông dân về máy móc, trang thiết bị, công nghệ, hạ tầng thủy lợi… ở vùng sản xuất lúa chuyên canh theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Chính sách hỗ trợ về tín dụng ưu đãi (lãi suất, thời gian thu lãi theo mùa vụ từng loại nông sản); xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và đầu ra nông sản.
Vấn đề triển khai các dự án ứng phó biến đổi khí hậu kết hợp chỉnh trang đô thị Cần Thơ; hỗ trợ người dân khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Hoặc các giải pháp công trình gia cố các vị trí có nguy cơ sạt lở.
Bên cạnh đó, cử tri cũng nêu ý kiến liên quan việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, các ý kiến phản ánh của cử tri sát với thực tiễn và trúng các vấn đề xã hội quan tâm. Thủ tướng ghi nhận sự tâm huyết, trách nhiệm, xây dựng, thẳng thắn và tin tưởng của bà con cử tri.
Về các nội dung cử tri đề cập liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng đề nghị Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam làm rõ.
Cụ thể, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, đối với vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển, vừa qua Bộ NN-PTNT đã trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này xác định, quy hoạch hệ thống thủy lợi cho từng vùng sinh thái ở ĐBSCL.
Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng đang tập trung triển khai các công trình thủy lợi phía biển Đông (từ Long An, Bến Tre, Trà Vinh đến Cà Mau) để kiểm soát mặn, phục vụ phát triển sinh kế. Hệ thống thủy lợi dẫn nước ngọt đảm bảo sinh kế và đời sống, sản xuất của người dân.
Đối với Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ, thực hiện Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ, đây là đề án mới, chưa có trong tiền lệ.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, trung tâm với chức năng thu mua nông sản có kiểm soát ở ĐBSCL; bảo quản, chế biến, sơ chế sâu các mặt hàng nông sản; cung ứng, tiêu thụ các sản phẩm nông sản trong nước và xuất khẩu; hệ thống dịch vụ công gồm kiểm dịch nông sản, ngân hàng, thuế, hải quản, xúc tiến thương mại…
Hình thức hoạt động của trung tâm hoàn toàn khác với các mô hình chợ đầu mối, siêu thị của Việt Nam. Thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với UBND TP Cần Thơ và các bộ, ngành triển khai nhiều cuộc họp, đến nay Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp đề nghị giải trình về tính pháp lý của trung tâm.
Đối với ý kiến về việc hỗ trợ các hợp tác xã ứng dụng cơ giới hóa, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT xác định đây là một trong những nội dung trọng yếu của sản xuất nông nghiệp. Vừa qua, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ Nghị định về cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó có đề cập các chính sách ưu đãi để hỗ trợ bà con nông dân đầu tư máy móc, cơ giới hóa.
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách với ngành nông nghiệp nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng.
Như Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL; Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao; Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ.
Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT khẩn trương triển khai dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ.
Riêng đối với vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, Thủ tướng cho biết, năm 2023, Trung ương đã chi hơn 4.000 tỷ đồng để ĐBSCL ứng phó sạt lở, đồng thời triển khai nhiều dự án lớn như hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé…
Với những bà con bị ảnh hưởng bởi sạt lở, Thủ tướng chỉ rõ, địa phương sử dụng ngay ngân sách để hỗ trợ. Hiện nay, cả nước đang chung tay với quyết tâm đến hết năm 2025 phải xóa xong nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc, trong đó có những người dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở tại ĐBSCL.
Riêng vấn đề tín dụng, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo và ngành ngân hàng đã và đang triển khai nhiều chương trình tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có vùng ĐBSCL.
Trong đó, gói tín dụng với lâm, thủy sản có số vốn ban đầu chỉ khoảng 15.000 tỷ đồng, tình hình giải ngân tốt đã tăng lên 30.000 tỷ đồng và đang tiếp tục tăng lên khoảng 40.000 tỷ đồng. Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu nâng quy mô gói tín dụng lên khoảng 50.000 – 60.000 tỷ đồng.
Nguồn: nongnghiep.vn