Huyện Tiên Phước được xem là thủ phủ cau của tỉnh Quảng Nam cũng như khu vực miền Trung. Trên địa bàn huyện nay có gần 2.500ha trồng cau, trong đó khoảng 1.000ha đã cho thu hoạch. Hiện nay đang bước vào thời điểm chính vụ thu hoạch cau. Những ngày này, khắp các vùng quê ở huyện Tiên Phước đâu đâu cũng tấp nập thương lái tìm tới các vườn để hỏi thu mua cau tươi.
Nếu như năm ngoái giá cau vào thời điểm cao nhất chỉ khoảng 30.000 đồng/kg, có lúc rớt xuống còn 3.000 đồng/kg thì năm nay vào thời điểm đầu vụ mỗi kg đã được thương lái thu với giá 40.000 đồng. Không những vậy, suốt 1 tháng qua, giá cau tươi liên tục tăng, kỷ lục lên đến 120.000 đồng/kg nên nông dân rất phấn khởi, nhiều chủ vườn thu về hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.
Gia đình ông Huỳnh Ngọc Hòa (trú xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước) hiện có 1,5ha trồng cây cau, trong đó hơn 1 nửa diện tích đã cho thu hoạch. Năm ngoái, với diện tích này gia đình ông chỉ thu được khoảng 100 triệu đồng từ bán cau tươi. Thế nhưng vụ này, giá cau liên tục tăng, cau nhà ông Hòa được thu mua tại vườn với giá trung bình khoảng 80.000 đồng/kg, mang về nguồn thu lên đến 500 triệu đồng.
“Trồng cau chi phí đầu tư thấp, tốn ít công chăm sóc. Với giá bán hiện tại, có thể nói cau là cây trồng đang mang lại giá trị kinh tế cao nhất ở địa phương, hiện tôi đang tiếp tục mở rộng thêm diện tích. Dự kiến trong năm tới, gia đình sẽ trồng thêm từ 2 – 4ha cau”, ông Hòa chia sẻ.
Theo người dân địa phương, cây cau từ thời điểm trồng đến khi cho quả khoảng 5 năm, năng suất ổn định từ năm thứ 7 trở đi. Cau non bắt đầu cho thu hoạch từ khoảng giữa tháng 6 âm lịch đến khoảng tháng 11 âm lịch, chia làm 4 đợt. Trong đó đợt hái thứ 2, 3 cho năng suất cao nhất. Thông thường vào chính vụ, sản lượng cau nhiều thì giá hạ thấp nhưng năm nay thì ngược lại, đến nay chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Ông Nguyễn Xuân Học (trú xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) trồng 1.000 cây cau, trong đó khoảng 200 cây đã cho trái. Ông cho biết, do cây cau thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương nên những năm qua, ông và nhiều hộ gia đình trong thôn đã đầu tư trồng cau và không ngờ năm nay cau lại được giá như vậy. “Vụ này, vườn cau của tôi cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Giá cau cao nên bà con rất phấn khởi”.
Thị trường cau “nóng” lên nên các cơ sở thu mua, sấy cau ở huyện Tiên Phước thời gian qua cũng hoạt động hết công suất. Cơ sở thu mua, chế biến của anh Lê Minh Thẩm tại xã Tiên Cảnh mỗi ngày thu mua khoảng 30 tấn cau tươi. “Chúng tôi mua cau không chỉ ở trong huyện mà còn ở các huyện khác trong và ngoài tỉnh. Do chất lượng cao hơn nên cau trồng ở huyện Tiên Phước có giá cao nhất, dao động trên dưới 100.000 đồng/kg. Còn quả cau ở các huyện khác chỉ mua ở mức từ 70.000 – 85.000 đồng/kg.
Sau khi thu mua, cơ sở sẽ sấy khô và chủ yếu nhập qua thị trường Trung Quốc để chế biến thành kẹo cau. Hiện tại nhiều thương lái người Trung Quốc cũng đã về tận nơi để thu mua, sản lượng bao nhiêu cũng bán hết”, anh Thẩm cho biết.
Ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, cau ở địa phương là cây trồng có giá trị kinh tế cao và chi phí đầu tư thấp. Trung bình mỗi ha có thể trồng được khoảng 6.000 cây. Năm nay giá cau cao là điều rất mừng cho bà con. Theo thống kê, vụ cau này tính đến thời điểm hiện tại, người dân huyện Tiên Phước đã thu được khoảng 550 tỷ đồng từ việc bán quả cau tươi.
“Địa phương xác định cau sẽ là cây trồng định hướng phát triển trong thời gian tới. Đến năm 2025, huyện Tiên Phước sẽ mở rộng diện tích trồng cau lên 4.500 – 5.000ha và tới năm 2030 tăng lên 10.000ha. Cùng với đó, chúng tôi sẽ kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ cây cau nhằm gia tăng giá trị cũng như đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân”, ông Anh nói.
Nguồn: nongnghiep.vn