Những năm gần đây, nhiều địa phương ở miền núi phía Bắc đã bắt đầu chú trọng khuyến khích, hướng dẫn và hỗ trợ người dân phát triển những mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, cải thiện đời sống mà còn góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực tới môi trường.
Tại tỉnh Yên Bái, cây tre Bát Độ được đánh giá là mô hình điển hình trong canh tác trên đất dốc bởi phù hợp với trình độ canh tác của đồng bào vùng cao, cho hiệu quả kinh tế vượt trội, trung bình thu nhập từ 70 – 100 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, với những đặc điểm ưu việt như ít sâu bệnh, bộ rễ lan rộng, bám sâu vào bề mặt đất nên trong quá trình canh tác không phải sử dụng thuốc BVTV và có tác dụng giữ đất, chống xói mòn, sạt lở hiệu quả.
Chúng tôi đến thăm thôn Đồng Ruộng (xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên) vào những ngày đầu tháng 10, ngay sau đợt mưa lũ gây thiệt hại thảm khốc ở nhiều địa phương trong tỉnh Yên Bái. Khu vực trung tâm thôn nằm dưới một thung lũng bằng phẳng, bao quanh là những dãy đồi núi cao trùng điệp. Hiện cả thôn có hơn 50 nóc nhà với gần 270 nhân khẩu, trên 90% là đồng bào Mông. Cuộc sống của bà con nơi đây ngày càng khấm khá, những ngôi nhà xây khang trang nằm thấp thoáng dưới những tán rừng tre Bát Độ thể hiện sự ấm no, thanh bình.
Gia đình chị Sổng Thị Cha bắt đầu trồng tre Bát Độ từ năm 2010, đến nay có khoảng 2ha, mỗi năm thu nhập từ măng Bát Độ gần 100 triệu đồng, giúp nhà chị đẩy xa đói nghèo.
Chị Cha chia sẻ, trước đây bà con trong thôn chủ yếu trồng ngô và sắn, đời sống gặp nhiều khó khăn, nhà nào cũng đói nghèo. Từ khi cây tre xuất hiện, đời sống của bà con khấm khá dần lên. Cây tre Bát Độ trồng 1 lần cho thu hoạch hơn 20 năm, mỗi năm chỉ cần phát cỏ vệ sinh đồi tre, chặt tỉa cây già cỗi, cành lá xung quanh gốc, đến vụ thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 10 là lên đồi hái ra tiền.
Hiện cả thôn Đồng Ruộng có gần 200ha tre Bát Độ được trồng trên các dãy núi đồi bao quanh các khu dân cư thay thế các cây trồng ngắn ngày như lúa, ngô, sắn trước đây. Không những mang lại sinh kế bền vững, những đồi tre còn góp phần giữ rừng, chống sạt lở đất.
Chị Sổng Thị Pàng ở thôn Đồng Ruộng bộc bạch, thời gian qua xem trên ti vi và mạng xã hội thấy mưa lũ, sạt lở đất làm chết nhiều người thật đáng sợ. Người dân trong thôn sống trong thung lũng, đồi núi bao quanh, khe suối dày đặc nên cũng thấy lo ngại. Rất may, mặc dù mưa lớn kéo dài nhưng những đồi trồng tre Bát Độ không hề bị sạt lở nên bà con thấy rất an toàn.
Không riêng ở Đồng Ruộng, hiện nay ở hầu khắp các thôn trong xã Kiên Thành đều trồng tre Bát Độ để phát triển kinh tế với diện tích toàn xã khoảng 2.000ha. Mỗi năm cây tre Bát Độ mang lại thu nhập trên 100 tỷ đồng cho người dân trong xã, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Ông Dương Kim Hưng, Chủ tịch UBND xã Kiên Thành cho biết, đến nay có thể khẳng định cây tre Bát Độ góp phần đổi đời cho người dân trong xã, giá trị kinh tế đã được chứng minh qua nhiều năm. Đặc biệt, với đặc thù địa hình xã vùng cao, đồi núi dốc, khe suối chằng chịt nên nguy cơ lũ quét, sạt lở đất luôn tiềm ẩn..
Theo quan sát thực tế, những đồi dốc trồng tre Bát Độ bị sạt lở rất ít trong mùa mưa bão, đặc biệt là những đồi đã canh tác lâu năm. Hệ thống rễ của cây tre phát triển mạnh và sâu, giúp giữ chặt đất, ngăn chặn hiện tượng xói mòn, sạt lở. Tán lá dày của cây tre giúp giảm tốc độ dòng chảy của nước mưa, giảm áp lực lên đất và làm giảm nguy cơ lũ quét. Ngoài ra, tre có khả năng hấp thụ nước tốt, giúp giảm lượng nước mặt, từ đó giảm nguy cơ lũ quét.
Đặc biệt, canh tác tre không cần bổ sung bất kỳ hóa chất từ phân bón hay thuốc trừ sâu, tre tự lớn lên trong điều kiện tự nhiên, vì thế có thể bảo vệ môi trường đất tránh khỏi những ảnh hưởng từ hóa chất hơn so với các cây trồng khác.
Nguồn: nongnghiep.vn