Lấy lại vị thế
Dù năm nay đã 70 tuổi nhưng ông Dương Tất Tính vẫn rất minh mẫn, nhanh nhẹn và khỏe mạnh, mới gặp, nhiều người tưởng ông mới ngoài 60. Thoăn thoắt trong vườn bưởi đỏ, ông Tính nói: “Ngày đỉnh cao, mỗi quả bưởi đỏ Tân Lạc bán phải được 30.000 – 35.000 đồng, thế mà giờ chỉ còn khoảng 5.000 đồng/quả”.
Cái thời đỉnh cao mà ông Tính nói rơi vào khoảng từ 2016 – 2018, khi mà bưởi đỏ Tân Lạc trở thành hiện tượng, được thị trường hết sức ưa chuộng. Nhưng không lâu sau, việc chiết, tách giống tràn lan, khắp nơi đổ xô trồng bưởi đỏ khiến thị trường bão hòa, giá cả đi xuống.
Giá rẻ, công cán, vật tư lại tăng, nhiều nhà vườn ở Tân Lạc (Hòa Bình) để mặc kệ cây bưởi tự sinh tự diệt, cuối năm được quả nào thì bán quả đó, giá có khi chỉ khoảng 2.000 đồng/quả. Nhưng rồi thấy để mặc kệ như vậy thì phí đất, làm thì tốn kém, họ quyết định chặt bưởi trồng cây khác.
Với ông Tính thì không, kể từ năm 2004 đến nay, gia đình ông gắn liền với quả bưởi, thời bưởi thịnh mỗi cây có thể cho nhập đến 15 triệu đồng, mảnh vườn nhỏ 0,5ha cũng cho thu dến 500 – 600 triệu đồng.
Khi nhận ra thị trường bão hòa, ông đã quyết định thay đổi, đầu tiên là thành lập tổ hợp tác. Hiện nay, tổ hợp tác sản xuất bưởi đỏ tại xóm Tân Hương (xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc) có 12 thành viên với tổng diện tích gần 17ha.
“Sau khi có tổ hợp tác, chúng tôi nhờ Phòng NN-PTNT huyện hướng dẫn canh tác bưởi sạch, mục tiêu là nâng cao chất lượng, có tem nhãn để cung cấp cho siệu thị hay các cửa hàng rau sạch”, ông Tính chia sẻ.
Đến năm 2018, vườn bưởi của tổ hợp tác mà ông Tính làm tổ trưởng được chứng nhận VietGAP, 4 năm sau được nâng lên GlobalGAP, sẵn sàng đáp ứng được các tiêu chuẩn của nhiều thị trường khắt khe trên thế giới, tìm ra hướng đi mới, lấy lại vị thế cho quả bưởi đỏ ở Tân Lạc.
Chinh phục thị trường thế giới
Ngoài chứng nhận GlobalGAP, năm 2022 cũng là thời điểm tổ hợp tác ở thôn Tân Hương bắt tay xây dựng mã số vùng trồng. “Từ khi chúng tôi triển khai làm mã số vùng trồng, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện, Chi cục Trồng trọt – BVTV của tỉnh và Cục BVTV thường xuyên đến tận vườn để hướng dẫn, giám sát thực hiện canh tác theo tiêu chuẩn”, ông Tính chia sẻ.
Hiện nay, tổ hợp tác do ông Tính làm tổ trưởng đã được cấp mã số vùng trồng đảm bảo xuất khẩu bưởi đỏ đi châu Âu, Hoa Kỳ và New Zealand. Ngoài ra, còn có thị trường Hàn Quốc và Australia đang trong quá trình xem xét, thêm vào đó là Nhật Bản có thể sớm mở cửa trong thời gian tới.
Từ năm 2022 đến nay, khối lượng bưởi đỏ xuất khẩu đi thị trường châu Âu (cụ thể là Anh) của tổ hợp tác liên tục tăng. “Chúng tôi mở đầu vào năm 2022 với 5 tấn hàng, đến năm 2023 là 10 tấn và dự kiến năm nay tổ hợp tác sẽ xuất khẩu được 30 tấn bưởi”, ông Tính hồ hởi.
Để thuận tiện hơn cho kinh doanh, ông Tính cho biết đang hoàn thiện thủ tục để nâng tổ hợp tác lên thành hợp tác xã. Với tư cách pháp nhân mới này, các công việc của tập thể sẽ được xử lý bài bản hơn.
Chia sẻ về các thị trường nhập khẩu, ông Tính cho biết, về danh mục thuốc BVTV hay quy trình canh tác thì đa phần các nước tương đối giống nhau, tuy nhiên yêu cầu xử lý sơ chế lại khác nhau.
Ví dụ như Hoa Kỳ thì yêu cầu chiếu xạ, châu Âu và New Zealand thì đông lạnh còn Hàn Quốc hay sắp tới là Nhật Bản thì yêu cầu xử lý nhúng nước nóng 47 độ C để tiêu diệt sinh vật hây hại.
Mặc dù đã tuân thủ tốt các quy định về canh tác, kiểm soát dư lượng thuốc BVTV… nhưng điều ông Tính và các thành viên tổ hợp tác mong muốn hiện nay là các cơ quan chuyên môn sớm bố trí được cơ sở chiếu xạ và xử lý nước nóng được công nhận tại miền Bắc.
“Nếu có các cơ sở này tại miền Bắc thì chi phí của chúng tôi sẽ giảm đi rất nhiều, đem lại lợi ích lớn hơn cho người trồng bưởi đỏ ở Tân Lạc”, ông chủ vườn bưởi 4ha bày tỏ thêm.
Nguồn: nongnghiep.vn