Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang vừa phối hợp với Công ty TNHH May thêu thương mại Lan Anh tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả mô hình sử dụng phân hữu cơ Phù sa Ri I và phân Risopla II trên cây lúa vụ thu đông năm 2024. Mô hình thực hiện trên diện tích 2,6ha của hộ ông Đoàn Tuấn Hải (ấp Tân Hòa A, xã Tân Hiệp B, Tân Hiệp, Kiên Giang).
Tham gia mô hình, nông dân áp dụng biện pháp canh tác lúa tiên tiến như gieo sạ mật độ thưa bằng công cụ máy sạ hàng, bón phân cân đối, quản lý dịch hại tổng hợp. Quy trình bón phân có sử dụng kết hợp phân hữu cơ Phù Sa Ri I và Risopla II do Công ty TNHH May thêu thương mại Lan Anh sản xuất với mức 700ml Risopla II (bón lá) và 10kg Phù Sa Ri I (bón gốc) cho 1ha/vụ. Qua đó, giúp giảm lượng phân hóa học khoảng 30% so với ruộng đối chứng.
Theo đánh giá, ruộng lúa sử dụng phân hữu cơ Phù Sa Ri I và Risopla II cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, ít sâu bệnh nên giảm số lần phun xịt thuốc BVTV, giảm công chăm sóc. Kết quả, năng suất lúa thu hoạch đạt 7 tấn lúa tươi/ha, cao hơn ruộng đối chứng 0,1 tấn/ha. Giá bán tại ruộng 6.500 đồng/kg (giống lúa OM34), nông dân đạt lợi nhuận gần 23,5 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng khoảng 2,4 triệu đồng/ha nhờ giảm chi phí đầu tư (hơn 1 triệu đồng/ha) và giá bán lúa cao hơn.
TS Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khyến nông Kiên Giang đánh giá, kết quả mô hình trình diễn và tổ chức hội thảo, tham quan đồng ruộng sẽ tạo niềm tin cho nông dân vào việc sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất lúa. Từng bước khuyến khích nông dân chuyển đổi tập quán sử dụng phân bón hóa học sang phân hữu cơ, hữu cơ sinh học, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng lúa gạo, phát triển bền vững gắn với tăng trưởng xanh.
Nguồn: nongnghiep.vn